Nghề phục vụ nhà hàng cho người giàu: Căng thẳng hơn bác sĩ thần kinh!

Nghề phục vụ nhà hàng cho người giàu: Căng thẳng hơn bác sĩ thần kinh!

Nghề làm dâu trăm họ

“Ngu thế! Không biết chữ à?”, một thực khách đột ngột lớn tiếng, chỉ tay về phía nữ phục vụ Hồng Nhung (20 tuổi, ngụ tại TPHCM) chỉ vì cô nhờ vị khách kiểm tra lại thông tin xuất hóa đơn. Đáp lại sự nóng tính của khách, Nhung vẫn nở nụ cười thật tươi kèm lời xin lỗi. 

Sau loạt câu mắng chửi to tiếng của khách hàng, những ánh nhìn thương xót từ đồng nghiệp, ngao ngán từ thực khách đổ dồn về phía Nhung. Điều đó khiến bước chân của cô càng trở nên nặng nề hơn.

Nghề phục vụ nhà hàng cho người giàu: Căng thẳng hơn bác sĩ thần kinh! - 1

Nhân viên phục vụ nhà hàng là một trong những nghề đòi hỏi sức chịu đựng nhất (Ảnh minh họa: P.A.).

Làm việc ở một nhà hàng hạng sang tại TPHCM hơn 2 năm, Nhung bộc bạch mỗi khi bị khách hàng mắng chửi, những người phục vụ như Nhung chỉ có thể luôn miệng nói xin lỗi, rồi lẳng lặng trốn vào nhà vệ sinh rồi bật khóc.

“Làm nghề phục vụ ở nhà hàng, bản thân tôi và đồng nghiệp luôn có ít nhất một lần trốn vào nhà vệ sinh và khóc. Nhà hàng càng sang trọng, thực khách lại đòi hỏi cao hơn ở người phục vụ khiến cho công việc của chúng tôi rất áp lực”, Nhung nói.

Cô gái bộc bạch mỗi khi nhà hàng đông khách, thiếu người, nhân viên phục vụ sẽ phải “chạy” cùng lúc nhiều đầu việc khác nhau. Từ đó, công việc khó tránh được sai sót và người phục vụ luôn là “đối tượng” thay mặt các bộ phận khác, hứng chịu sự chỉ trích từ khách hàng.

Nghề phục vụ nhà hàng cho người giàu: Căng thẳng hơn bác sĩ thần kinh! - 2

Nhà hàng càng sang trọng, nhân viên phục vụ càng phải tuân theo nhiều tiêu chuẩn, quy tắc khắc khe (Ảnh minh họa: Freepik).

“Nhiều người khách đủ khả năng chi tiền triệu, thậm chí chục triệu đồng để ăn một bữa nhưng cách họ đối xử với nhân viên phục vụ lại rất khó coi, sẵn sàng hạ thấp người khác với vô vàn yêu cầu vô lí”, Nhung nói.

Là một quản lý tại nhà hàng lớn ở TPHCM, Phương Linh (27 tuổi) trải lòng bản thân vẫn không thể hiểu vì sao có thể trụ được với nghề này suốt 3 năm. Tuy là quản lý nhưng Linh cũng kiêm thêm việc của phục vụ, thu ngân,…

Linh nói rằng để làm tốt công việc, người phục vụ phải có tố chất nhẫn nhịn. Ngoài ra, họ cũng phải luôn tập trung quan sát, để ý từng cử chỉ nhỏ của khách hàng để kịp thời đáp ứng.

Hàng “tá” quy tắc phải ghi nhớ

Linh chia sẻ, vì nhà hàng chuyên phục vụ các vị khách “có điều kiện”, nên nhân viên cũng sẽ được đào tạo một cách rất bài bản. Trước khi nhận việc, người phục vụ sẽ phải trải qua khóa huấn luyện, học thuộc bộ quy tắc, nhớ tên các món trong thực đơn với độ dày hàng trăm trang. Trong đó, mỗi quy tắc sẽ có quy trình xử lý, vận hành riêng, buộc nhân viên phải ghi nhớ.

“Nhà hàng càng sang trọng, quy tắc và tiêu chuẩn phục vụ càng khắt khe. Nếu nhân viên vi phạm một lỗi nhỏ thôi thì cũng có thể bị xem xét xử phạt và nặng nhất là đuổi việc. Vậy nên chúng tôi lúc nào đi làm cũng trong cảm giác lo sợ và hồi hộp, vì sợ rằng sẽ có họa từ trên trời rơi xuống, khiến bản thân bị đuổi lúc nào chẳng hay”, Linh nói nửa đùa, nửa thật.

Linh cho hay đối với nhân viên làm toàn thời gian, khái niệm “ca gãy” là điều khiến họ cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

Nghề phục vụ nhà hàng cho người giàu: Căng thẳng hơn bác sĩ thần kinh! - 3

Nghề phục vụ rất hiếm có ai trụ lại được lâu với nghề (Ảnh minh họa: Freepik),

“Một ngày, chúng tôi phải làm việc 9 tiếng, 9h-14h rồi làm tiếp tục làm từ 16h đến 20h hoặc 11h30-16h và 18h-22h30. Với cách làm như vậy, chúng tôi hầu như không có thời gian về nhà, nghỉ ngơi và phải lang thang bên ngoài để chờ đến ca làm tiếp theo. Bản thân rất ghen tị với những người được làm giờ hành chính”, Linh trải lòng.

Tính chất của ngành dịch vụ là hoạt động không ngừng, vì thế, cô gái hiếm khi được nghỉ cuối tuần và chỉ được nghỉ duy nhất 1 ngày/tuần. Kể cả các ngày lễ, Tết, Linh vẫn phải trích thời gian ở bên gia đình để đi làm. Nếu không đáp ứng được, Linh sẽ bị nhà hàng thay thế bằng một nhân viên khác.

“Làm nghề này, tôi sợ mình khó kết hôn vì thời gian cho bản thân còn không có, huống chi thời gian cho các buổi hẹn hò lãng mạn”, cô gái bộc bạch.

Thông thường, quản lý làm toàn thời gian như Linh có thu nhập 10-11 triệu đồng/tháng, còn nhân viên phục vụ bán thời gian là khoảng 4 triệu đồng/tháng, tùy theo số lượng ca làm việc. Họ cũng “sống” nhờ tiền boa của khách hàng, chia đều cho nhau vào mỗi tháng.

Nữ quản lý chia sẻ nhân viên phục vụ là nghề rất dễ xin việc. Nhưng số người trụ được với nghề trong thời gian dài là rất ít.

Theo phân tích dữ liệu từ 138.700 người, trong nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Nam Phương ở Quảng Châu (Trung Quốc), nhân viên phục vụ là một trong những công việc có hại nhất cho sức khỏe tinh thần và thể chất.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng mức độ căng thẳng của người làm công việc này còn cao hơn bác sĩ giải phẫu thần kinh. Bởi bác sĩ vẫn cảm nhận được sự tôn trọng từ bệnh nhân của mình, thứ mà hiếm người phục vụ nào có được.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người phục vụ bàn có nguy cơ đột quỵ cao hơn 22% so với những người có công việc ít căng thẳng. Con số này tăng lên 33% đối với phụ nữ khi dữ liệu được chia theo giới tính.