Trung tướng Hoàng Xuân Chiến

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến


Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (11/2015).

Ông sinh ngày 12/4/1961, ở xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, một vùng quê chiêm trũng nằm giữa đồng bằng Bắc Bộ rộng bao la, thẳng cánh cò bay. Thời kháng chiến chống Pháp, xã Đồng Thanh là nơi nuôi dưỡng cán bộ nằm vùng địch hậu của Liên khu Ba. Đây cũng là một trong những nơi che giấu, đùm bọc cho Đội du kích Hoàng Ngân nổi tiếng ở đường 5 đi về hoạt động, chiến đấu trong lòng địch. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Đồng Thanh là nơi có nhiều trận địa pháo cao xạ đứng chân, bảo vệ vùng trời trọng yếu phía Đông Nam của Thủ đô Hà Nội. Thuở niên thiếu, Hoàng Xuân Chiến đã từng chứng kiến đạn pháo cao xạ của ta nổ giòn giã, quật tan xác máy bay Mỹ trên bầu trời quê hương.

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng, tôi cũng được gặp trực tiếp Trung tướng Hoàng Xuân Chiến. Vẫn gương mặt trắng trẻo còn phảng phất nét thư sinh của cái thời cắp sách đến trường, ông điềm đạm, chậm rãi kể về cái thuở thiếu thời của mình làm tôi hết sức cảm động. Sinh ra trong một gia đình mà ông bà nội, ngoại và người bố từng tham gia hoạt động cách mạng, có đông anh, chị em, trong đó có năm anh em trai là bộ đội từ thời kỳ chống Mỹ đến nay. Là con út của gia đình, mới 18 tháng tuổi – cái tuổi còn đang phải bú mớm, Hoàng Xuân Chiến đã mồ côi mẹ. Người cha và người chị gái phải thay mẹ chăm sóc, nuôi nấng ông… Kể đến đây, ông bỗng dừng lại, vội quay mặt đi khi tôi dừng bút ngước lên nhìn. Tôi hiểu, trong lòng ông đang trào lên niềm xúc động khó tả khi nhớ về thời thơ ấu của mình. Lát sau quay lại, ông kể tiếp bằng chất giọng nghèn nghẹn: “Hoan biết không, thuở thiếu thời của tôi cực kỳ vất vả, lam lũ, thiếu thốn đủ điều. Bốn giờ sáng, cha tôi đã phải dậy, mò mẫm kéo vó te nhặt từng con tôm, con tép nuôi tôi ăn học. Hàng ngày người chị gái bón cho tôi từng thìa cơm, miếng cháo, mong cho tôi khỏe mạnh, mau chóng khôn lớn nên người. Đến tuổi đi học, nửa buổi tôi cắp sách đến trường, nửa buổi về cuốc đất trồng đay, chăm sóc ngô, khoai giúp cha, giúp chị. Thời ấy khốn khó là vậy mà chẳng hiểu sao mình lại học được.!”.

Tôi sững cả người khi thấy ông chuyển giọng. Từ trước đến nay, tôi cứ nghĩ với vóc dáng thư sinh như thế, ông phải là người sinh ra và lớn lên trong một gia đình no đủ và ai ngờ tuổi thơ của ông cũng phải oằn lưng với lúa, với khoai, với nước lụt đồng chiêm… Mà quả thật, nghèo khó là thế ông vẫn học giỏi. Từ lớp 1 đến lớp 10, ông luôn đứng đầu lớp. Ba năm học cấp Ba, ông còn là lớp trưởng xuất sắc của nhà trường… Ngoài chăm lo việc học tập của mình, ông luôn giúp đỡ bạn bè để cùng học tốt. Những năm học cấp Ba trường huyện, ông tổ chức học nhóm để giúp đỡ, kèm cặp những bạn học yếu vươn lên học khá. Nhiều bạn học đồng khóa với ông bây giờ vẫn nhắc lại những kỷ niệm của thời học nhóm ấy. Thời mũ rơm, bút sắt chấm mực đó, đã để lại trong ông một kỷ niệm đầy chất nhân văn, chưa hề phai nhạt với cô giáo chủ nhiệm cho đến tận bây giờ… Gặng hỏi mãi, rồi ông cũng kể cho tôi nghe về chút kỷ niệm ấy.

Lúc bấy giờ, cô giáo chủ nhiệm ba năm cấp Ba của ông có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Chồng cô là bộ đội phục viên, không có việc làm, cả nhà sống nhờ vào đồng lương ít ỏi của cô, nên bữa đói, bữa no. Thương cô giáo với cuộc sống vất vả nhưng chưa bao giờ bỏ buổi dạy nào, cậu học trò Chiến về nhà lúc thì xin bố bơ gạo, lúc đem ngô, khoai, lặng lẽ giúp cô giáo đỡ khó khăn. Ròng rã ba năm cấp Ba như vậy, cho đến khi cô giáo biết được việc làm ấy của ông, thì cả cô, cả trò cùng rưng rưng nhòe lệ. Sau này khi đã nghỉ hưu, cô và gia đình chuyển vào huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định – quê hương của chồng cô trước khi tập kết ra Bắc, để sinh sống và trở thành người chủ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Quý Gỗ, với hơn 600 công nhân, cùng số tài sản nhiều tỷ đồng, cô vẫn luôn nhớ đến người học trò cũ ở vùng quê Kim Động, một thời “khoai lang độn cơm”. Bây giờ, thỉnh thoảng cô và trò lúc điện thoại, lúc gặp nhau “ôn nghèo, kể khổ” thuở dạy và học thời bao cấp, thật cảm động…

Làng Đồng Thanh quê ông là vùng quê đặc trưng của đồng bằng châu thổ sông Hồng, trù phú và cổ kính ở Bắc Bộ. Ở làng quê này, dòng họ Hoàng đã từng sinh sống từ bao đời nay, những người con ra đi lập thân, lập nghiệp thành đạt ở nhiều miền quê đất nước. Gợi nhớ cho những người đi xa về cây đa, bến nước, sân đình, có bề dày trầm tích văn hóa để mỗi người sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ đây. Chính mái trường xã hội chủ nghĩa của miền Bắc ở vùng quê này đã chắp cánh cho ông bay xa sau này. Ông là người trưởng thành từ con đường học vấn. Và thực tiễn những năm tháng ông được điều động về công tác tại Bộ đội Biên phòng các tỉnh Lào Cai, Thừa Thiên Huế, có lẽ đây là “những bước ngoặt”, để ông đưa những kiến thức lý luận của mình vào thực tế lãnh đạo, chỉ huy ở đơn vị Biên phòng. Và đó cũng chính là nét đáng ghi nhận của một vị tướng Biên phòng vận dụng nhuần nhuyễn lý luận vào thực tiễn trong hoạt động xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến đã có 38 năm cống hiến liên tục trong lực lượng Bộ đội Biên phòng. Và tính từ khi cắp sách vào lớp một đến nay, ông đã có hơn 23 năm theo nghiệp bút nghiên, quả là dài lắm, công phu và kiên trì lắm. Lại nữa, trong 38 năm gắn bó với lực lượng, thời gian ông công tác ở Học viện Biên phòng chiếm đến 4/5. Tức là chỉ có hơn 8 năm ông rời xa mái trường đi thực tế các đơn vị. Quãng thời gian công tác và giảng dạy tại Học viện Biên phòng – con đường phát triển của ông cứ tuần tự, thăng tiến: Từ học viên qua đào tạo trở thành sĩ quan, thành giáo viên, Trưởng bộ môn, Phó khoa Biên phòng; Phó phòng, Trưởng phòng Đào tạo rồi Phó Giám đốc Học viện Biên phòng… Theo đó, con đường học vấn của ông cũng từng bước một: Cử nhân, học viên khóa IV Đào tạo Giáo viên Biên phòng, học viên khóa 11 Đào tạo ngắn hạn Trung cao Biên phòng, học viên Cao học Luật, Đại học Cảnh sát, nghiên cứu sinh Học viện Cảnh sát nhân dân, học viên khóa 25 Đào tạo Chỉ huy Tham mưu cao cấp, rồi học viên khóa 5 Đào tạo Chiến dịch-Chiến lược, Học viện Quốc phòng, Bộ Quốc phòng và học viên khóa III Dự nguồn cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Bước đường trưởng thành trên lĩnh vực quản lý, chỉ huy bộ đội của ông cũng thăng tiến từng bước: Phó đồn trưởng, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Phó chỉ huy trưởng, rồi Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Từ tháng 5/2012, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (sau này là Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng), đồng thời được thăng quân hàm Thiếu tướng.

Ông bảo vệ Luận án Tiến sỹ Luật tháng 10/2000 và là một trong những Phó Giáo sư đầu tiên của lực lượng Bộ đội Biên phòng, được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư tháng 11/2006. Luận án Tiến sĩ của ông có tiêu đề: “Phòng ngừa tội phạm buôn lậu trên tuyến biên giới đất liền của Bộ đội Biên phòng”, là một trong những công trình nghiên cứu khoa học công phu, thiết thực, hữu ích, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Tìm hiểu về ông, tôi cũng vui theo. Trong ông có đủ các danh hiệu, từ Giáo viên dạy giỏi cấp Trường đại học, đến cấp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông đã đoạt nhiều giải thưởng các cuộc thi của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về lý luận Mác – Lênin, Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đó là chưa kể nhiều danh hiệu dành cho tập thể từ bộ môn, phòng, khoa, học viện, nhà trường, đơn vị do ông quản lý, chỉ huy đạt thành tích xuất sắc, được khen thưởng của Nhà nước, các Bộ, ngành, Học viện. Ông còn làm chủ nhiệm một số đề tài khoa học đạt loại xuất sắc và tham gia nghiên cứu nhiều công trình, đề tài khoa học với một số đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong và ngoài Quân đội. Cùng các bài báo mang tính lý luận và thực tiễn về nghệ thuật quân sự, nghiệp vụ, được đăng tải trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài Quân đội.

Trò chuyện với Trung tướng Hoàng Xuân Chiến tại phòng làm việc của ông, tôi phát hiện ra rằng, ông có giọng nói mạnh mẽ, dội thẳng vào lòng người đối thoại với mình. Nhưng đằng sau giọng nói mạnh mẽ ấy, lại hàm chứa một nội tâm nhạy cảm, nhân văn, đầy tình cảm và có cả lúc yếu lòng. Gạt mọi công việc sang một bên, tôi nhỏ nhẹ hỏi ông: “Có lúc nào Thủ trưởng cảm thấy giữa điều lệnh quân đội và tình cảm riêng tư làm cho mình phải cân nhắc, đắn đo, khó xử không?”. Ánh mắt ông đằm lại một chút: “Có đấy! Đó là thời kỳ mình làm Phó Giám đốc Học viện Biên phòng, phụ trách Hệ sau Đại học và Hệ Văn hóa – Ngoại ngữ của Học viện…”. Giọng nói của ông bất chợt trầm xuống như tâm tình: Hồi đó, ông kể, là người chỉ huy, nhưng có những cán bộ thuộc quyền của ông lại là… thầy giáo dạy ông hồi cấp Hai, cấp Ba ở Kim Động, Hưng Yên, bây giờ các thầy là giáo viên văn hóa, ngoại ngữ của Học viện. Những người thầy ấy đã truyền dạy con chữ, cái đức cho ông thuở niên thiếu, nay là cấp dưới, nếu cứ theo điều lệnh quân đội thì chẳng ai nói gì được mình. Nhưng, vốn là người khá thông tuệ về cái “đạo làm thầy”, ông đã biết cách ứng xử khi nào là tình đồng chí, đồng đội và khi nào là tình thầy trò. Đấy! Con người tưởng như tính cách mạnh mẽ ấy, mà cũng rất “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Có lẽ, đây cũng là nét đẹp đầu tiên khi tôi tìm hiểu về ông.

Gần sáu năm ông làm Phó Hiệu trưởng, rồi Phó Giám đốc Học viện Biên phòng (từ tháng 7/2003 đến tháng 5/2009), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Chiến rất tâm huyết với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Năm 1984 – 1985, khi đang học Đào tạo Giáo viên Biên phòng khóa IV, ông đã được lãnh đạo Khoa Biên phòng, Trường Đại học Biên phòng yêu cầu tham gia giảng dạy một số bài của bộ môn Lý luận chung Biên phòng. Kỷ niệm ấy theo ông suốt cả quãng thời gian sau này. Khi đã được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Học viện Biên phòng, ông mới nhận thấy cái khó nhất của người giáo viên là chất lượng dạy và học và cái khó nhất của người làm công tác quản lý, lãnh đạo nhà trường, chính là việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Lúc bấy giờ, một số không nhỏ sỹ quan tốt nghiệp ở Học viện Biên phòng về nhận công tác tại các đồn, trạm Biên phòng, khi lập biên bản vi phạm pháp luật, vi phạm hành chính còn sơ hở, thiếu chặt chẽ; lễ tiết, tác phong quân nhân theo điều lệnh còn lúng túng. Qua phản ánh của các đơn vị, những người lãnh đạo, chỉ huy nhà trường trăn trở: Phải làm thế nào để tạo được bước “đột phá” vào hai khâu trọng yếu của công tác giáo dục và đào tạo, đó là nâng cao chất lượng bài giảng của giáo viên và phương pháp học tập, rèn luyện của học viên. Đồng thời gắn nhà trường với thực tế đồn, trạm, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

Theo phương châm này, với hành trang gọn nhẹ của người lính, ông đã chủ động đi xuống cơ sở, lăn lộn nghiên cứu thực tế ở nhiều đơn vị Biên phòng từ Bắc chí Nam, nhằm tìm tòi phương pháp đào tạo mới, làm thế nào để mỗi sỹ quan sau khi tốt nghiệp ra trường có đủ phẩm chất và năng lực thực hiện nhiệm vụ. Vừa nghiên cứu thực tế, vừa ứng dụng vào công tác đào tạo, ông đã cùng Ban Giám đốc, lãnh đạo các phòng, khoa, ban đi sâu vào cụ thể hóa thực hiện giải pháp: Giảng đường gắn với thao trường dã chiến, huấn luyện lý luận gắn với thực hành, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện thực hành cho học viên. Ngay trong nhà trường, như xây dựng các mô hình “Đồn Biên phòng”, sơ đồ “Đường biên giới quốc gia”, khu “Thao trường huấn luyện Biên phòng” … tại Học viện và ở chân núi Ba Vì, để trong quá trình được đào tạo, học viên quen dần với biên giới và đồn Biên phòng. Vốn là người say mê nghiên cứu khoa học, ông và Ban Giám đốc Học viện chỉ đạo giáo viên các khoa và học viên toàn trường tập trung nghiên cứu, ứng dụng các phương án xử lý các tình huống xảy ra trong thực tế ở các tuyến biên giới, biển, đảo. Thời kỳ ấy, mỗi lần về công tác ở Học viện Biên phòng, tôi lại thấy nhà trường có những thay đổi. Tại các lối đi lên giảng đường, xuất hiện các khu sơ đồ thực địa “Đường biên, cột mốc” các tuyến biên giới; “Đồn Biên phòng” giống như thật ở khu dã ngoại; các phòng học có máy soi hộ chiếu, tiền giả, thư viện điện tử, phòng học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, mô phỏng các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới… Học viên được thực hành trên những mô hình ấy, đã nhanh chóng tiếp cận với chức năng, nhiệm vụ của người chiến sỹ biên phòng, như đang công tác ở các đồn, trạm biên phòng.

Bản thân ông cũng là người gương mẫu trong nghiên cứu và ứng dụng nó vào công tác giảng dạy, thực hành của nhà trường. Những Luận văn tốt nghiệp, Luận án Thạc sỹ, Tiến sỹ của ông đều đạt loại xuất sắc. Hơn 20 đầu sách, giáo trình, tài liệu về biên giới, pháp luật và công tác biên phòng do ông chủ biên và tham gia… Tất cả những công trình nghiên cứu ấy, đều xuất phát từ những chuyến đi thực tế các đơn vị, hay những giờ lên lớp, được ông đúc rút thành lý luận rồi đưa vào bài giảng. Ngay cả Luận văn tốt nghiệp Đại học của ông, cũng được Bộ Tư lệnh chỉ đạo, điều chính tác giả đi ứng dụng vào thực tế công tác và chiến đấu ở Đồn Biên phòng 173 Pò Peo, tỉnh Cao Bằng.

Nét nổi bật tiếp theo của Học viện là, ông là người tích cực cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc quán triệt, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về việc gắn nhà trường với thực tế công tác ở các đơn vị biên phòng đó là tăng cường đưa giáo viên đi thực tế ở các đơn vị cơ sở; đưa học viên xuống thực tập ở các địa bàn nóng bỏng, phức tạp; vận dụng lý thuyết đã học vào xử lý các tình huống xảy ra, kết hợp với công tác nghiên cứu, khảo sát tình hình biên giới, đồng thời mời những cán bộ có nhiều kinh nghiệm, thực tiễn ở cơ quan Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các tỉnh, thành biên giới về trường nói chuyện, giới thiệu các chuyên đề; nghiên cứu, tổng kết các chiến lệ, các trận đánh, các chuyên án nghiệp vụ đưa vào bài giảng. Tổ chức thực hành, thực nghiệm giữa lý thuyết với thực tế như: Diễn tập thực hành tác chiến của đồn Biên phòng trong khu vực phòng thủ biên giới có bắn đạn thật; diễn tập thực binh cho học viên kết hợp với hành quân dã ngoại từ 50 km trở lên.

Vào thời điểm đó, đi công tác ở tỉnh, thành biên giới, chúng tôi thường bắt gặp cán bộ, giáo viên, học viên của Học viện đang “bốn cùng” với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc nơi biên giới. Những chuyến đi ấy thực sự trở thành một “bộ phận” không thể thiếu của các đơn vị, vừa bồi dưỡng kiến thức cho bộ đội ngay tại chỗ, vừa thu thập, tích lũy thêm tư liệu, tài liệu thông qua thực tế công tác, làm phong phú kiến thức và năng lực hành động, để khi trở lại trường làm cho bài giảng, tiết học thêm sinh động.

Và một bước tiến mới nữa của Học viện, đó là tăng cường công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật của học viên. Trước tình trạng học viên học kém, chấp hành kỷ luật không nghiêm, xảy ra nhiều vụ nhảy tường, vượt rào ra ngoài, vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng, nhất là số con em cán bộ trong lực lượng, ông đề nghị Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện thống nhất chủ trương giữ nghiêm kỷ luật mọi lúc, mọi nơi, bằng các biện pháp hiệu quả. Đó là, gắn quản lý nội dung học tập với quản lý hành chính; gắn trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, nhất là cấp tiểu đoàn, đại đội với những sai phạm của học viên. Đồng thời tăng cường bám nắm tư tưởng, giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật của học viên. Với những trường hợp cá biệt như thường xuyên uống rượu bia, chơi lô đề, nghỉ học không được phép… ngoài việc chỉ đạo cán bộ khung các hệ, tiểu đoàn, đại đội gần gũi giúp đỡ học viên khắc phục, sửa chữa, định hướng rèn luyện phấn đấu; có trường hợp ông trực tiếp gặp gỡ, nhắc nhở, uốn nắn từng người hoặc nhóm học viên vi phạm, để giúp anh em học tập, phấn đấu vươn lên. Tôi được biết, lúc bấy giờ, ở Học viện Biên phòng có 4 học viên là con em cán bộ trong lực lượng, thường xuyên vi phạm kỷ luật và học kém. Các cơ quan chức năng của nhà trường đã nhiều lần đề nghị cho những học viên này thôi học. Là Phó Giám đốc Học viện, ông suy nghĩ: Cho thôi học không khó, cái khó là làm sao để họ học tập tốt hơn, rèn luyện tốt hơn. Nghĩ là làm, ông tự vạch kế hoạch hành động, mỗi tuần gặp một người, hàng tháng gặp cả nhóm 4 người động viên, gợi mở hướng rèn luyện, phấn đấu và thường xuyên kiểm tra mức độ khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của từng người. Không phụ lòng quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của người vừa là thầy, vừa là lãnh đạo, chỉ huy của mình, cả 4 học viên nói trên đã tu chí học tập, rèn luyện và trưởng thành. Sau một thời gian ngắn, họ đã được kết nạp Đảng và tốt nghiệp ra trường vững vàng ở vị trí công tác mới. Không chỉ có thế, ông còn quan tâm tới cả những học viên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Do thấu hiểu để có một người là con em đồng bào các dân tộc ít người về học tại mái trường Biên phòng, là cả một kỳ công của công tác phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn. Vì vậy, cùng với Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện, ông đặc biệt quan tâm tới việc dìu dắt, chỉ bảo, nâng cao trình độ cho những học viên và những giáo viên là người các dân tộc thiểu số. Cho đến bây giờ, cán bộ, giáo viên Học viện và chỉ huy nhiều tỉnh vẫn nhắc đến “Thầy giáo Hoàng Xuân Chiến” đã tận tâm, tận lực giúp đỡ, đào tạo mình trưởng thành.

Những năm giữ cương vị Phó Giám đốc Học viện Biên phòng, ông cũng đã hướng dẫn cho 3 nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ cấp Nhà nước và hơn 10 học viên cao học An ninh, Cảnh sát, Biên phòng. Một điều không bất ngờ là, trong những năm tháng này, Học viện Biên phòng có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, tạo chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo cán bộ của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Những chuyển biến nói trên, đã góp phần làm cho Học viện Biên phòng thêm khởi sắc, có “thương hiệu” riêng về giáo dục và đào tạo trong hệ thống các học viện, nhà trường của Quân đội nhân dân Việt Nam.

“Khi được cấp trên bổ nhiệm Phó Tham mưu trưởng, rồi Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai (từ năm 2000 –
2003), anh có gặp những khó khăn gì không?” – Tôi dừng bút hỏi người thầy giáo của một nhà trường, lần đầu tiên được điều đi làm chỉ huy một tỉnh lớn ở biên giới phía Bắc. Giọng ông chậm rãi nhưng rành rọt, ông kể: Năm đầu tiên đặt chân lên Lào Cai, ông bị ngợp trong bộn bề công việc của một tỉnh biên giới phía Bắc, nó không giống như chế độ làm việc có nề nếp theo chương trình, kế hoạch ở nhà trường. Lúc bấy giờ, tình hình vi phạm, tranh chấp hai bên biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động của các loại tội phạm nhất là tội phạm buôn lậu và mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới… diễn ra rất phức tạp. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng khu vực biên giới của tỉnh như đường giao thông, điện lưới quốc gia, nước sạch phục vụ sinh hoạt… còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đã có lần, ông cùng Đoàn kiểm tra của tỉnh đi bằng xe ô tô Zin130, từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ở thành phố Lào Cai vào Đồn Biên phòng A Mú Sung, huyện Bát Xát. Quãng đường chỉ dài 80km, mà đi từ 4 giờ chiều hôm trước mãi 4 giờ sáng hôm sau mới tới nơi. Vốn là thầy giáo, chỉ quen công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý, lãnh đạo nhà trường nay làm chỉ huy đơn vị, ông biết mình phải bắt đầu từ đâu. Với vốn kiến thức đã được học, đã dạy nhiều thế hệ học viên, ông bắt đầu vận dụng vào thực tế công tác ở địa bàn biên phòng tỉnh Lào Cai và bắt tay ngay vào công việc.

Ông khẩn trương chỉ đạo công tác soạn thảo hệ thống văn kiện chỉ huy tham mưu tác chiến của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh theo đúng quy định công tác tham mưu. Tất cả các công văn, kế hoạch, tờ trình, báo cáo, mệnh lệnh công tác Biên phòng… đều phải được trình bày theo đúng thể thức văn bản quân sự, nội dung rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện và phải trở thành nề nếp thường xuyên đối với tất cả các đơn vị trong tỉnh. Sau đó đến công tác quản lý đơn vị, quản lý kỷ luật bộ đội, quản lý địa bàn, nắm tình hình và xử lý thông tin; quan hệ với cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, xã, phường, thôn, bản biên giới và với các lực lượng phối hợp… Tất cả đều được ông và các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai tập trung bàn bạc, thống nhất, có bài bản và chỉ đạo thấu đáo từng vấn đề với quyết tâm: Kiên quyết không để xảy ra điểm nóng, phức tạp, bị động, bất ngờ trên biên giới. Trong quản lý, chỉ huy bộ đội không để xảy ra vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Tác phong công tác của ông là, nói đi đôi với làm và tiến hành làm ngay, làm một cách quyết liệt. Cho đến bây giờ, tác phong làm việc và chỉ huy bộ đội cụ thể, tỉ mỉ, sâu sát của ông vẫn để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lào Cai. Chẳng hạn, có lần, để xem cán bộ, chiến sỹ các đồn, trạm biên phòng chấp hành kỷ luật, duy trì quân số trực sẵn sàng chiến đấu và công tác ra sao, ông đã tổ chức kiểm tra các đơn vị vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật. Khi đến các đồn, trạm biên phòng vào ngày nghỉ, ông ra lệnh báo động kiểm tra quân số trực, kiểm tra chức trách và nhiệm vụ của người trực chỉ huy đơn vị, của các kíp trực công tác Biên phòng. Đi kiểm tra biên giới, địa bàn, ông thường đi vào ban đêm và gần sáng để nắm thực chất tình hình. Với tác phong ấy, ông đã lôi cuốn bộ đội làm theo, làm cho cán bộ, chiến sỹ các đơn vị duy trì nề nếp công tác, chấp hành kỷ luật và pháp luật tốt hơn. Từ đó, chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ huy của Bộ đội Biên phòng Lào Cai ngày càng được rèn giũa và nâng cao. Khả năng xử lý các tình huống nhạy cảm xảy ra trên biên giới hiệu quả hơn.

Tôi được biết, tháng 7/2002, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Pha Long đang làm nhiệm vụ thì bị một toán có vũ trang từ bên kia vượt qua biên giới trái phép phục kích, nổ súng vào đội hình. Sau khi nghe báo cáo, ông trực tiếp chỉ đạo chỉ huy Đồn Pha Long: Chuyển từ bị động sang phản phục kích, kiên quyết tiến công, bắt giữ bằng được những kẻ vi phạm biên giới Việt Nam, để làm bằng chứng đấu tranh. Chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy, lực lượng của Đồn Biên phòng Pha Long đã nổ súng đánh trả, bắt giữ 3 tên, đẩy nhóm lính phục kích về bên kia biên giới. Sau này khi đấu tranh, trước những tên lính xâm nhập trái phép lãnh thổ Việt Nam bị Bộ đội Biên phòng bắt giữ và trao trả, đại diện nước láng giềng đã phải ký vào biên bản vi phạm. Từ trận đánh có hiệu quả nói trên, đã gợi mở cho ông nhiều ý tưởng mới về công tác đối ngoại biên phòng và minh chứng một cách sinh động về phương pháp xử lý tình huống, xoay chuyển tình thế của một người thầy giáo – người chỉ huy của lực lượng Bộ đội Biên phòng sau này.

Công việc tiếp theo rất đáng ghi nhận là, ông đã thể hiện sắc nét vai trò, trách nhiệm của mình cùng với tập thể Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tiếp tục coi trọng củng cố và tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng đứng chân trên địa bàn và đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai. Từ đó, duy trì chế độ thường xuyên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, trao đổi tình hình với các ban, ngành trong tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các đồn Biên phòng quan hệ, phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các huyện, thị, xã, phường biên giới, với quan điểm: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự biên giới quốc gia là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Do đó mà, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thương yêu, chăm lo tận tình cán bộ, chiến sỹ các đơn vị biên phòng hơn. Việc triển khai xây dựng nền biên phòng toàn dân trên địa bàn tỉnh và phong trào tự quản đường biên, cột mốc; công tác phối hợp với Bộ đội Biên phòng đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm đã được các cấp, các ngành, các lực lượng và quần chúng nhân dân hăng hái tham gia. Mỗi lần đi công tác ở các đồn Biên phòng, ông thường dành thời gian gặp gỡ, làm việc, thăm hỏi lãnh đạo các huyện, thị, các xã, phường, thôn, bản biên giới. Đây là dịp ông vừa nắm tình hình, vừa nghe cấp ủy, chính quyền các địa phương, đồng bào các dân tộc phản ảnh, góp ý và cũng để lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có dịp gần gũi, động viên, chia sẻ, hướng dẫn đồng bào làm tốt hơn việc phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Có lần vào làm việc ở huyện biên giới Si Ma Cai giữa mùa đông giá rét, nhiệt độ ngoài trời xuống đến 30C, ông thấy nhiều trẻ em người Mông cởi trần, đói và rét. Không cầm nổi lòng mình, ông đề nghị cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Si Ma Cai gom góp quần áo, lương khô, mì tôm, thuốc chữa bệnh giúp các cháu và nhiều gia đình. Ngồi ăn cơm ở đồn Biên phòng, nhưng ông suy nghĩ nhiều đến cuộc sống còn lam lũ, khó khăn, thiếu thốn, cơ cực của đồng bào. Vậy mà nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai vẫn luôn luôn thương yêu, đùm bọc cán bộ, chiến sỹ. Đó là tài sản vô giá, không dễ gì Bộ đội Biên phòng có được.

Với gần ba năm ngắn ngủi công tác ở Lào Cai, nhưng đối với ông đó là thời gian sâu đậm, đầy ấn tượng, không thể phai mờ. Sau này, có những đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai về Trung ương làm bộ trưởng, trưởng ban, ngành vẫn thường xuyên gọi điện thăm hỏi ông và giữ mối quan hệ chặt chẽ, tốt đẹp với ông và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Là một cán bộ nguồn phát huy tốt phẩm chất, năng lực, tháng 5/2009, ông được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, một tỉnh có cả biên giới đất liền và vùng biển. Đây là vùng đất cố đô, mang đậm dấu ấn của các triều vua, chúa nhà Nguyễn; là địa bàn trọng điểm, rất phức tạp về tôn giáo và an ninh nông thôn. Cả tỉnh có duy nhất một huyện biên giới giáp với nước bạn Lào, đó là huyện A Lưới, giống như một “đặc khu”. Ở Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, suốt 34 năm qua, Chỉ huy trưởng đều là người trong tỉnh và chưa có đồng chí Chỉ huy trưởng hay Chính ủy được bầu vào Tỉnh ủy. Đây quả là một thử thách rất lớn hay nói đúng hơn là một áp lực tâm lý nặng nề đối với ông.

Ông vẫn còn nhớ, ngày đầu tiên đến chào ra mắt đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Bí thư nói với Biên phòng Thừa Thiên Huế: “Anh cần lưu ý ba việc quan trọng: Một, không được để xảy ra “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tệ nạn ma túy và hoạt động trái pháp luật của đạo Tin lành ở khu vực biên giới. Hai, xây dựng nội bộ đơn vị đoàn kết, không được để xảy ra vị phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng. Ba, xây dựng cho được “vị thế” của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh và tạo nguồn đội ngũ cán bộ chủ trì của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có chất lượng. Trước khi rời khỏi Huế, phải đào tạo, bồi dưỡng cho tỉnh một đồng chí chỉ huy trưởng là người địa phương để thay thế mình!”.

Mới buổi ban đầu đặt chân đến xứ Huế, nghe đồng chí Bí thư Tính ủy giao nhiệm vụ, ông cảm thấy “choáng” rồi tự nhủ “ba việc Bí thư giao có khi làm cả đời không hết!”. Nghĩ vậy, nhưng ông biết, Bí thư Tỉnh ủy là người nghiêm khắc, không thể lơ mơ được. Đây không chỉ là uy tín của riêng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, mà còn là vấn đề chung của toàn lực lượng. Không làm thì thôi, đã làm là làm đến nơi đến chốn và phải mang lại kết quả cao hơn cả sự mong đợi của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh.

Việc đầu tiên ông bắt tay vào làm, đó là cùng với tập thể Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chấn chỉnh tác phong, lề lối, giờ giấc, nề nếp làm việc của cán bộ, chiến sỹ toàn cơ quan Bộ Chỉ huy và ở các đơn vị cơ sở. Cái khó của việc xốc lại nề nếp làm việc theo điều lệnh, kỷ luật quân đội là, lâu nay cán bộ, chiến sĩ đã quen cách hành xử nhẹ nhàng, thư thả, càng dễ dãi càng tốt, không thích lên gân, căng cứng trong công tác, làm việc, kể cả giao tiếp, ứng xử. Do đó, muốn chỉnh đốn lại tác phong, lề lối làm việc, trước hết ông phải tạo được sự đồng thuận từ trong Đảng ủy, Bộ Chỉ huy và các phòng, ban, cơ quan Biên phòng tỉnh. Vì thế khi đưa ra chủ trương này, sau nhiều lần bàn bạc, trao đổi, ông đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số cán bộ, chiến sỹ. Để duy trì được nghiêm túc lề lối, tác phong công tác thường xuyên, ông đề nghị, từ Chỉ huy trưởng, Chính ủy trở xuống phải gương mẫu, tự giác thực hiện, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, gắn trách nhiệm cá nhân vào thành tích thi đua và nhận xét, đánh giá cán bộ. Trước hết bản thân mình, vừa là Chỉ huy trưởng, vừa là một quân nhân, bao giờ ông cũng tự giác chấp hành các quy định mà tập thể Thường vụ, Bộ Chỉ huy đã thống nhất thông qua. Vì thế, không có lý do gì, các cấp phó và cán bộ, chiến sỹ lại không tự giác thực hiện, làm theo. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, việc chấp hành các chế độ, nề nếp làm việc, điều lệnh, điều lệ, tác phong công tác của cán bộ, chiến sỹ từ Bộ Chỉ huy tỉnh đến các đơn vị cơ sở được chấn chỉnh và đi dần vào quy củ. Vào những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010, cán bộ Bộ Tư lệnh có dịp vào công tác ở Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đều thừa nhận sự tiến bộ vượt bậc về nhiều mặt. Các phòng, ban, đồn, trạm, hải đội… thực hiện nghiêm chỉnh giờ nào việc nấy, ra vào doanh trại đúng giờ, ăn mặc đúng quy định. Từ đó, hiệu quả công tác của cán bộ, chiến sỹ ở các đơn vị được nâng lên. Và đây cũng chính là tiền đề để ông đi sâu chỉ đạo các mặt công tác, nhất là công tác nắm tình hình và quản lý địa bàn cả hai tuyến biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế được đẩy mạnh.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến chậm rãi nói với tôi rằng, trong một thời gian ngắn mà vừa làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, vừa tham gia học lớp chiến dịch, chiến lược khóa 5 tại Học viện Quốc phòng, nhưng ông vẫn thực hiện trọn vẹn ba nhiệm vụ mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao cho trong ngày đầu vào cố đô Phú Xuân nhận công tác. Đó là, cùng với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, ông đã lãnh đạo, chỉ đạo làm thay đổi nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ trong toàn tỉnh về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đồng thời, xây dựng được cơ chế, nề nếp làm việc đồng bộ, nhịp nhàng, ăn ý và hiệu quả của đội ngũ cán bộ. Xây dựng cảnh quan môi trường từ cơ quan Bộ Chỉ huy đến các đồn, trạm, hải đội xanh, sạch, đẹp và xây dựng được mô hình điểm về quân nhu của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An trở thành đơn vị điển hình của toàn lực lượng. Quan tâm đến chính sách đối với cán bộ cả về luân chuyển, hậu phương, nhất là nhà và đất ở, làm cho mọi người yên tâm, phấn khởi. Trong thực hiện nhiệm vụ, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ông và tập thể Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm chắc tình hình, xử lý tình huống nhanh nhạy, linh hoạt, kịp thời, đúng chủ trương, đối sách; đảm bảo không để xảy ra điểm nóng về tôn giáo, ma túy, phức tạp về an ninh trật tự trên biên giới; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xua đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam; làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn… Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã chỉ đạo tốt công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở địa bàn biên phòng được coi trọng hơn, tăng cường 15 cán bộ Biên phòng về giữ các chức danh Phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Giới thiệu 47 đồng chí đảng viên ở các tổ, đội công tác Biên phòng về sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản biên giới. Xây dựng được nhiều điểm sáng văn hóa biên giới, như cụm văn hóa – y tế xã Nhâm, huyện A Lưới. Làm 120 nhà Đại đoàn kết tặng đồng bào nghèo nơi biên giới, biển, đảo, vượt chỉ tiêu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giao 200%. Đặc biệt, trong xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển với nước bạn Lào, Bộ Chỉ huy đã đưa các đội thợ mộc, thợ nề của Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế sang giúp xây dựng Cụm bản Ka Lô của huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Công (Lào), trở thành cụm bản ổn định dân cư với 62 hộ gia đình, có đời sống tốt cả về kinh tế, văn hóa và xã hội.

Trên cương vị là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới việt Nam – Lào, ông đã chỉ đạo quyết liệt cán bộ, chiến sỹ Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, ban, ngành, địa phương, thực hiện tốt công tác phân giới, cắm mốc. Vì thế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành 38/38 mốc giới từ tháng 6/2011, trước thời hạn quy định gần 2 năm.

Nhìn Trung tướng đang trầm ngâm suy nghĩ, tôi hỏi nhỏ: “Những năm tháng làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, ông có kỷ niệm nào sâu sắc với đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới?”. Suy nghĩ một lát, ông kể, cảm động nhất có lẽ là những lần ông lên công tác ở huyện biên giới A Lưới, một huyện lâu nay tồn tại như một “đặc khu” của tỉnh Thừa Thiên Huế. Mỗi tháng lên công tác nơi đây khoảng một tuần, ngoài việc chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ biên giới và công tác phân giới, cắm mốc tuyến Việt Nam – Lào ở địa bàn huyện, ông không chỉ đến với các đồn Biên phòng, mà còn vào các thôn, bản, đến từng nhà dân ở thôn 7, xã Hồng Thủy, ăn, uống, trò chuyện với đồng bào Pa Kô, Tà Ôi, Vân Kiều… thăm hỏi các gia đình bị rủi ro bởi hậu quả của bom đạn chiến tranh và chất độc da cam. Nghe cấp ủy, chính quyền và bà con các dân tộc nói về công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản, về cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng. Và lần nào ông lên với A Lưới, thì cả anh Trừ là Bí thư Huyện ủy và anh Thời, anh Trăng là Chủ tịch huyện, đều đi cùng. Các đồng chí ấy tâm sự: “Đi với ông, được nghe đồng bào nói thẳng, nói thật, nắm được tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó mà rút ra được phương pháp lãnh đạo, giải quyết chính sách có hiệu quả, thấu đáo, hợp lý, hợp tình cho bà con. Qua những chuyến đi ấy, đồng bào các dân tộc có những vấn đề gì bức xúc về đời sống, kinh tế, an ninh trật tự, nếu giải quyết được thì giải quyết ngay, nếu ngoài quyền hạn thì phản ánh lên lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế”. Có lẽ, chính vì điều đó mà, đồng bào các dân tộc ở huyện biên giới A Lưới đã coi ông như con, em của dòng họ, gia đình mình. Đó chính là niềm hạnh phúc của đời ông, một người chiến sỹ mang quân hàm xanh được dân tin, dân mến.

Những ngày tháng là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế, một vinh dự đã đến với ông là, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XII, ông được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông coi đó là công lao đóng góp của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đối với việc xây dựng, bảo vệ quê hương có điệu hò mái nhì, mái đẩy làm rung động lòng người…

Với những kết quả rất đáng ghi nhận và sự phấn đấu không mệt mỏi trong suốt chặng đường binh nghiệp, năm 2013 ông được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng. Từ sông ra biển lớn, ông hiểu sâu sắc rằng, đây là dấu mốc khẳng định sự phấn đấu kiên trì, sự quan tâm của cấp trên và sự suy tôn của tập thể đối với ông. Song, đây cũng là trách nhiệm nặng nề đặt lên vai.

Là Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, ông được Thường vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh phân công đảm trách công tác tham mưu tác chiến và xây dựng lực lượng; phụ trách công tác pháp chế, khoa học – công nghệ, nghiên cứu chiến lược biên phòng. Trên cương vị mới, khối lượng công việc nặng nề, song do biết dựa vào tập thể Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, chịu khó học tập kinh nghiệm các thế hệ thủ trưởng Bộ Tư lệnh đi trước, nên ông vẫn luôn hoàn thành tốt các công việc được phân công như: Tham gia Ban Chỉ đạo Dự án Luật Xuất nhập cảnh của Bộ Công an; Luật Hải quan của Tổng cục Hải quan, là Phó chủ nhiệm Đề tài cấp Nhà nước “Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới” do đồng chí Tư lệnh Bộ đội Biên phòng là Chủ nhiệm Đề tài; Tham gia Ban Chỉ đạo sửa đổi các Nghị định của Chính phủ có liên quan đến biên giới, biển, đảo và Bộ đội Biên phòng… Thành công nhất trong thời gian này, có lẽ là việc ông được phân công trực tiếp chỉ đạo thực hiện kế hoạch 2996 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về: Tăng cường lực lượng để giải quyết vấn đề phức tạp của người Mông ở địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Trong quá trình chỉ đạo, ông đã báo cáo Thường vụ, Bộ Tư lệnh điều động các đồng chí cán bộ Biên phòng là người dân tộc Mông ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên tăng cường cho địa bàn huyện Mường Nhé. Đồng thời lập Sở Chỉ huy gọn nhẹ tại huyện Mường Nhé, để trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo, đảm bảo kịp thời, nhanh nhạy, đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới này. Chính nhờ những chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn đó, nên tính đến cuối tháng 4/2013, “Chiến dịch Mường Nhé” đã kêu gọi, vận động được 46 đối tượng người Mông ra đầu thú, thu 38 khẩu súng quân dụng các loại, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng biểu dương và gửi thư khen. Không những thế, những năm gần đây, cùng với các đồng chí trong Thường vụ, Bộ Tư lệnh ông còn đi sâu quan hệ chặt chẽ, tăng cường sự phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương, các quân khu, quân chủng, các cơ quan, đơn vị trong quân đội. Tạo thuận lợi trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp và tranh thủ được sự chỉ đạo của cấp trên trong công tác biên phòng.

Bên cạnh những công việc lớn nêu trên đã chi phối khá nhiều thời gian công sức. Nhưng để Bộ đội Biên phòng hòa nhập nhanh với toàn quân, ông tập trung chỉ đạo công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng khu vực phòng thủ, đồng thời ông luôn đau đáu chỉ đạo sâu sát, kiên quyết vấn đề xây dựng nề nếp chính quy chấp hành điều lệnh, duy trì kỷ luật ở các cấp trong toàn lực lượng, quan điểm của ông, trước hết cơ quan Bộ Tư lệnh và các nhà trường phải làm gương. Từ đó ông luôn chú trọng, chấn chỉnh, nhắc nhở cùng với những biện pháp sát thực tạo chuyển biến từng bước vững chắc lễ tiết, tác phong, lề lối làm việc, quân phong, quân kỷ, mang mặc, đi lại theo các chế độ quy định. Đó là những vấn đề rất cơ bản của xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Mặt khác, trong chỉ đạo cấp dưới xây dựng các văn bản, ông cũng là người thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ ra nhiều vấn đề cụ thể với lối văn phong sáng, rõ, gọn gàng của ông càng làm cho anh em khâm phục, trân trọng.

Tháng 11 năm 2015, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Đến tháng 5 năm 2016 ông được phong thăng quân hàm Trung tướng.

Hỏi chuyện ông, trên cương vị mới, với nhiều công việc bộn bề phải lo toan, ông có suy nghĩ, trăn trở gì không? Trung tướng Hoàng Xuân Chiến tâm sự chân thành: “Ở vị trí công tác mới, trách nhiệm nặng nề hơn, áp lực công việc lớn hơn, đòi hỏi tầm tư duy, xử trí cao hơn, nhất là tham mưu cho cấp trên xử lý, giải quyết vấn đề về chủ quyền, lãnh thổ ở cấp chiến dịch, chiến lược”. Và lâu nay, ông và tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh vẫn trăn trở một điều: Làm sao xây dựng cho được “Chiến lược biên giới quốc gia”; xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Tâm nguyện của ông và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh về hiện tại là, làm sao để Bộ đội Biên phòng “ổn định, hòa nhập và phát triển” theo Kết luận số 165/KL-TW của Bộ Chính trị, để xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ngang tầm sự phát triển của đất nước và tình hình thế giới hiện nay. Trong thâm tâm, ông và các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ Tư lệnh luôn trăn trở: Cần phải có cơ chế, chính sách hợp lý, thu hút cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng hiện đang công tác, lăn lộn trên các nẻo đường biên cương của Tổ quốc, về chế độ quân hàm, nhà ở, đưa gia đình định canh, định cư, gắn bó, xây dựng biên giới dài lâu, để khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” đi vào chiều sâu và hiệu quả thiết thực…”

Nghe ông nói đến đây, tôi thầm nghĩ: Muốn sự nghiệp bảo vệ biên giới dài lâu và bền vững, cần phải có phương lược tốt. Trong đó kế sách “sâu rễ, bền gốc” để bảo vệ biên cương, bờ cõi nước Việt ta cần được quan tâm hàng đầu. Ông quả là một vị tướng Biên phòng năng động và kiên quyết!

Hàn Viết Hoan

Theo Những vị tướng Biên phòng (1959-2016), Nhà Xuất bản Công an nhân dân