Tăng lương đi kèm kiểm soát giá cả
“Tăng từng nào, hay từng đó”, anh N.T.H., công chức tại Hà Nội khấp khởi khi nghe thông tin sẽ được tăng lương từ 1/7.
Hơn 10 năm làm việc trong khu vực công, đây là lần điều chỉnh lương cơ sở cao nhất mà anh từng thấy. Chính vì vậy, mức thu nhập của anh cải thiện đáng kể.
Chắc chắn, cuộc sống gia đình anh H. sẽ “dễ thở” hơn khi có thêm thu nhập để nuôi con nhỏ ăn học và chăm sóc mẹ già.
Tuy nhiên, anh H. vẫn rất mong đợi những điểm đột phá trong bảng lương mới khi thực hiện cải cách tiền lương toàn diện trong thời gian tới. Điều mà hàng triệu công chức mong chờ trong suốt thời gian qua.
Từ 1/7, lương cơ sở sẽ tăng 30% (Ảnh: Hoa Lê).
Cũng trao đổi về việc tăng lương cơ sở từ 1/7, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan đã cân nhắc kỹ lưỡng về quyết định chưa thực hiện toàn diện cải cách tiền lương. Đề xuất này đã được trình Bộ Chính trị xem xét và thống nhất.
Trước mắt, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định, việc tăng lương cơ sở là nhu cầu cấp bách, sẽ giúp giảm bớt khó khăn, đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức và tương thích với tốc độ tăng của khu vực doanh nghiệp.
Qua đây, cũng giúp cán bộ, công chức, viên chức yên tâm gắn bó với công việc và đổi mới, sáng tạo trong quá trình làm việc.
Thời gian qua, ông Lộc ghi nhận đội ngũ cán bộ, công chức rất nỗ lực trong công việc, trước bối cảnh tiền lương chưa được cải thiện nhiều. Chính vì vậy, việc điều chỉnh lương thúc đẩy hiệu quả công việc, đảm bảo cạnh tranh, thu hút nhân tài trong khu vực nhà nước.
Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, mức tăng 30% được đại biểu này cho rằng là sự nỗ lực của Chính phủ. Song, ông cũng mong muốn Chính phủ sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương toàn diện.
Để làm được điều này, cần sớm thực hiện việc sắp xếp, trả lương theo vị trí, việc làm. Cải cách bộ máy công vụ và có chế độ tiền lương, tiền công phù hợp, tương xứng với đóng góp của từng người. Điều này cũng khuyến khích những người có năng lực yên tâm, sống được bằng lương là rất cần thiết.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc tăng lương chắc chắn sẽ khiến giá cả thị trường, nhiều mặt hàng tăng theo. Do vậy, Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát giá cả, giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, làm mất đi ý nghĩa việc tăng lương, gây ảnh hưởng đời sống người lao động.
Đảm bảo an sinh xã hội ngày càng cao
Bên cạnh việc thống nhất sẽ tăng tiền lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng cho tất cả cán bộ, công chức, Bộ Chính trị cũng thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6%, đồng thời tăng 15% với lương hưu, tăng 35,7% với người có công; đối tượng bảo trợ xã hội tăng 38,9% từ 1/7.
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc tăng lương khu vực công và khu vực có quan hệ lao động là điều kiện nâng cao thu nhập, tạo động lực để tăng năng suất lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (Ảnh: Văn Quân).
Cùng với đó, người có công được quan tâm điều chỉnh mức cao nhất là thể hiện sự ưu đãi của nhà nước với tinh thần đền ơn đáp nghĩa. Bên cạnh đó, đối tượng hưởng trợ giúp xã hội được cải thiện mức trợ cấp để bảo đảm cuộc sống tốt hơn so với hiện nay.
“Lần này, việc điều chỉnh lương, trợ cấp đã tác động đến tất cả các nhóm hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng đối với bảo đảm an sinh xã hội theo hướng ngày càng nâng cao và không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông Lợi nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung của Nghị quyết 27 về thực hiện cải cách chính sách tiền lương. 2 nội dung đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc, phát sinh là thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, vị trí lãnh đạo sẽ thực hiện theo lộ trình.
“Thủ tướng, Thường trực Chính phủ đã có những giờ phút suy nghĩ, cân nhắc vô cùng nặng nề để lựa chọn phương án, cuối cùng chọn phương án tối ưu. Các phụ cấp giữ nguyên như hiện hành. Đồng thời tiếp tục rà soát một số đối tượng có bất cập để bổ sung”, bà Trà cho hay.