Biên phòng – Giúp những người phụ nữ dân tộc thiểu số mù chữ nay biết đọc, biết viết, tự tin tham gia các hoạt động xã hội, có kỹ năng giao tiếp tiếng Việt với mọi người xung quanh, đó là niềm vui, niềm tự hào của những người đang gieo tri thức nơi biên cương của Tổ quốc.
Cán bộ BĐBP Quảng Trị và thầy Trực đến nhà vận động người dân đi học xóa mù chữ. Ảnh: Phương Liên
Ba Tầng là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, có biên giới giáp nước bạn Lào, cách trung tâm huyện lỵ hơn 50km, cách trung tâm hành chính tỉnh hơn 150km. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Ngoài ra, còn có một bộ phận người Lào di cư tự do hoặc kết hôn có yếu tố nước ngoài sinh sống.
Ở nơi nắng gió biên thùy, như chị Hồ Thị Bôi, ở thôn Măng Sông tâm sự, ngày ngày phải vật lộn mưu sinh nên nhiều chị em không đi học. Bản thân chị cũng lớn lên trong một gia đình đông con, lại lấy chồng sớm nên không được học hành. Việc không biết chữ khiến chị gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” về giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa phối hợp với các đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn và Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ 5 xã đặc biệt khó khăn mở lớp xóa mù chữ cho những người dân tộc thiểu số mù chữ, độ tuổi từ 15-60 tuổi.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Trực, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Tầng được phân công làm chủ nhiệm lớp và trực tiếp giảng dạy. Thầy Trực là giáo viên công tác lâu năm tại điểm trường có mở lớp xóa mù chữ nên nắm rõ hoàn cảnh gia đình của từng học viên và phong tục, tập quán của địa phương. Thầy đã cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tới các gia đình, vận động chị em đến lớp học xóa mù chữ. Quá trình vận động gặp phải không ít khó khăn. Đầu tiên là nhận thức của người dân về việc học còn hạn chế. Cùng với đó, một số học viên nữ phải lo bổn phận làm dâu, làm vợ. Nhiều người còn là lao động chính và đa số đều thuộc gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Mặt khác, học viên là người dân tộc thiểu số, trong giao tiếp hằng ngày, họ chủ yếu sử dụng tiếng mẹ đẻ nên gặp nhiều khó khăn khi học tiếng phổ thông. Hơn nữa, nhà của học viên hầu hết ở xa điểm mở lớp học, trong khi thời gian học vào buổi tối nên nhiều người e sợ khi đi đường…
Trước những khó khăn đó, thầy Trực và cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đều nghĩ, việc đầu tiên là phải hình thành động cơ học tập cho học viên. Vậy nên, ngay sau khi có kế hoạch mở lớp, thầy và các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã đến từng nhà học viên hay tranh thủ gặp khi họ đưa đón con đi học, gặp trên đường để động viên, trao đổi, chỉ rõ những khó khăn khi không biết chữ. Nói lâu cũng thấm, học viên đã nhận thức ra tầm quan trọng của việc biết chữ là giúp mình tự đọc, tự viết các giấy tờ tùy thân, biết đọc các thông tin sản phẩm khi mua hàng hóa, biết đọc và nhắn tin trên điện thoại, biết tính toán đơn giản để phục vụ bản thân và gia đình…
Lớp học xóa mù chữ của thầy Trực mở ra cơ hội thúc đẩy giáo dục bình đẳng cho mọi người dân ở nơi biên giới. Ảnh: Phương Liên
Tiếp đến là phải làm tốt công tác dân vận. Đây là giải pháp mang tính quyết định đến huy động số lượng học viên ra lớp. Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, đòi hỏi các cán bộ Biên phòng và giáo viên phải hiểu rõ hoàn cảnh gia đình học viên, lựa chọn thời điểm phù hợp để gặp gỡ, trò chuyện thân thiện với bố, mẹ hoặc chồng, vợ của học viên để họ nhận thức được tầm quan trọng của việc biết chữ, sự cần thiết phải đi học. Việc làm này không phải lần một, lần hai là được mà phải kiên trì, linh loạt trong cách nói chuyện, tạo sự gần gũi với các thành viên trong gia đình. Từ đó, các thành viên trong gia đình mới ủng hộ, tạo điều kiện, chia sẻ công việc gia đình, sắp xếp thời gian công việc hợp lý cho con, chồng/vợ tham gia học tập.
Chưa kể, nếu công tác tuyên truyền gặp khó khăn về ngôn ngữ, phong tục, tập quán hay gia đình học viên không ủng hộ thì phải kết hợp với bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, chi hội phụ nữ để vận động. Việc này cũng thể hiện sự thống nhất, quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể đến công tác xóa mù chữ, tạo cho người học niềm tin, xua đi sự e ngại khi bị người khác cười đùa, trêu chọc như: “Lớn tuổi mà vẫn còn đi học” hay “đi học về cũng chỉ làm rẫy”…
Huy động được số lượng đã khó, duy trì sĩ số học viên lại càng khó hơn. Đối với học viên, ban ngày phải làm việc ngoài nương rẫy, tối về còn bộn bề việc gia đình. Đi học mất thời gian không làm được công việc gia đình nên một số học viên hay nghỉ học. Biết được những khó khăn đó, chỉ huy đơn vị và thầy Trực đã kết nối cộng đồng, bạn bè, người thân để có những phần quà nho nhỏ động viên người học. Khi thì vài gói bột ngọt, mấy két mì tôm, vài chai nước mắm, khi thì vài con vịt làm giống… Giá trị món quà không lớn nhưng đã tạo hứng khởi học tập cho học viên, từ đó duy trì sĩ số trên lớp luôn đảm bảo.
Những người phụ nữ dân tộc thiểu số ngày lên nương làm việc, chiều tối trở về nhà lo cơm nước, con cái xong lại vội vã đến trường học xóa mù chữ. Những đôi bàn tay chai sạn, thô cứng vì công việc ban ngày, tối chuyển sang cầm bút thật ngượng nghịu, lúng túng nhưng được sự động viên của các thầy, cô giáo và các “thầy giáo mang quân hàm xanh”, các mẹ, các chị đã vượt qua tự ti, nỗ lực học tập.
Trở lại với chị Hồ Thị Bôi, sau 3 tháng kiên trì, chị không giấu nổi niềm vui khi đã biết viết, biết đọc, đã có thể tự viết tên mình, tên chồng, tên con khi làm hồ sơ, thủ tục. Các học viên lớp xóa mù chữ ở Măng Sông đều có chung niềm vui đó với chất lượng học tập rất khả quan. Đối với môn tiếng Việt, tỷ lệ hoàn thành tốt đạt 25%, hoàn thành đạt 75%. Đối với môn Toán, tỷ lệ hoàn thành tốt đạt 15%, hoàn thành đạt 75%. Đối với các môn tự nhiên và xã hội, tỷ lệ hoàn thành tốt đạt 25%, hoàn thành đạt 75%.
Trước thành quả này, thầy giáo Nguyễn Hữu Trực không giấu nổi niềm phấn khích cho rằng, đó chính là bước khởi đầu cho việc nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào theo kịp với sự phát triển chung của cộng đồng. Những người phụ nữ Vân Kiều trước đây vì hoàn cảnh khó khăn không được đi học nhưng nay đã biết đọc, biết viết sẽ giúp các chị tự tin tham gia các hoạt động xã hội, có kỹ năng nói tiếng Việt để giao tiếp với mọi người xung quanh. Với cá nhân thầy, đó chính là niềm tự hào của người giáo viên đang góp phần gieo mầm tri thức ở nơi phên dậu của Tổ quốc.
Phương Liên