Gần 7h, anh Nguyễn Đức Chinh (40 tuổi) và chị Nguyễn Thị Duyên (39 tuổi) lái xe 15km đến nông trại 2,5ha của mình ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội).
Đoạn đường đất khiến bánh xe bám chặt bùn. Anh Chinh dù cố vững tay lái nhưng đôi lúc cũng loạng choạng. 2 vợ chồng bật cười vì suýt ngã.
Đến nơi, anh Chinh rảo khắp khu vườn rộng lớn, tay nhổ cỏ dại, tay bắt sâu thoăn thoắt như một người nông dân thực thụ. Anh còn rà soát một loạt toàn bộ hệ thống tưới tiêu, kiểm kê số lượng rau cần giao đến các cửa hàng thực phẩm và bếp ăn địa phương trong ngày.
Trong căn nhà container 9m2, chị Duyên phân công nhiệm vụ cho nhân công ở nông trại, rồi soạn các đơn hàng khách đặt trực tuyến.
Mỗi ngày, hai vợ chồng anh Chinh đều bận rộn. Đôi khi họ ăn trưa khi trời đã tối muộn và về nhà khi đường về chỉ còn lấp ló vài ba ánh đèn nhà dân.
Thế nhưng, nếu so với khoảng thời gian làm bàn giấy, xưng danh tiến sỹ, thạc sỹ, anh Chinh và chị Duyên khẳng định chắc nịch: “Giờ chúng tôi hạnh phúc hơn nhiều!”.
Con đường mơ ước không thể thiếu dấu chân lấm bùn!
Năm 2015, chị Duyên hoàn thành chương trình thạc sỹ nông nghiệp ở Úc, về nước và được phân công tham gia dự án quốc tế về rau hữu cơ. Khi đó, chị mượn mảnh vườn bỏ hoang 1.000m2 để làm chỗ thực hành.
Lúc này, cả anh Chinh và chị Duyên vẫn còn là chuyên viên tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Để công việc diễn ra trôi chảy, vợ chồng anh nhờ được 2 đồng nghiệp cùng cơ quan hỗ trợ.
Trong 2 năm thí nghiệm ấy, cả nhóm làm việc quần quật, thức khuya dậy sớm để bón phân, cuốc đất mỗi ngày. Đến khi gặt hái được thành quả, nếm được vị ngọt của những bó rau sạch, vợ chồng anh Chinh mới nhận ra mình đã “phải lòng” những cây rau xanh mướt, rồi nhen nhóm ý định mở nông trại cho riêng mình.
Kết thúc dự án, năm 2017, anh Chinh nhận được học bổng sang Nhật làm nghiên cứu sinh trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Chị Duyên và con cũng đồng hành với anh.
Tại đây, anh được tiếp xúc với nhiều kiến thức chuyên môn mới lạ. Trong đó, cuốn sách về ngành nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới đã giúp anh vỡ ra nhiều ý tưởng. Người chồng tiến sĩ lúc này nắm tay vợ, ấp ủ ước mơ về quê hương lập nghiệp.
Cuối năm 2019, cả hai trở về Việt Nam với nhiều hoài bão lớn. Bằng chiếc xe máy, vợ chồng anh đi khắp các tỉnh chỉ để tìm một vị trí phù hợp cho việc mở nông trại. Suốt nhiều tháng ròng rã, cuối cùng họ cũng thuê được mảnh đất hoang 2ha ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ).
“Gọi là đất hoang vì vốn dĩ nơi đây chẳng có gì ngoài… đất. Xung quanh khu đất không có trạm xăng, nhà dân và thậm chí sóng điện thoại cũng yếu. Chúng tôi phải làm lại mọi thứ từ đầu. Bức tranh lớn về hành trình cải tạo mảnh đất hoang thành nông trại hiện ra trước mắt, khiến tôi vừa mừng, vừa lo”, anh Chinh bộc bạch.
Con đường để đạt đến ước mơ của vợ chồng anh không thể thiếu những bước chân dính đầy bùn đất.
Trong 6 tháng đầu, vợ chồng anh và 2 đồng nghiệp phải chạy tới chạy lui, cân bằng giữa việc cơ quan và việc ở nông trại. Mỗi ngày, cả hai rời khỏi nhà lúc 4h, làm nông dân trong 3 tiếng. Sau đó, họ gạt bùn đất, thay áo sơ mi, đóng quần tây rồi đến cơ quan làm nhân viên văn phòng.
Cuối tuần, đôi vợ chồng mới được làm nông dân “toàn thời gian”. Anh chị và đội nhân công quần quật ở nông trại suốt 14 tiếng/ngày, chia nhau ra đào mương, kéo điện, dựng nhà và hàng rào. Ấy vậy mà đôi vợ chồng không thấy cực khổ chút nào. Suốt mấy tháng, chị Duyên sụt 5kg, còn anh Chinh thì đen nhẻm, tóc tai bờm xờm.
Cả nhóm chỉ đủ tiền thuê 4 nhân công nên công việc cải hóa đất hoang dường như làm mãi không xong.
Rồi bước đầu trồng cấy, anh Chinh phải tự chạy đi giao rau, lắm lúc lái xe máy cả chặng đường 100km đến Hà Nội.
Không chỉ mồ hôi, nước mắt đã rơi khi nông trại thua lỗ 11 tháng liên tiếp. Số vốn 500 triệu đồng ban đầu bay đánh vèo. Tháng 8/2020, chị Duyên quyết định nghỉ việc để toàn tâm cho vườn tược. Gần 1 năm sau, anh Chinh cũng nghỉ theo.
“Tối nằm ngủ, vợ chồng tôi cùng vắt tay lên trán nghĩ mãi. Ngồi làm ở văn phòng có máy lạnh, ngày nào cũng xem tá hỏa những văn bản chi chít chữ, thực sự không thấy hạnh phúc gì cả. Đó có phải cuộc sống mà mình mơ ước không?
Vợ chồng tự hỏi nhau, rồi cũng tự trả lời, cuối cùng đều nghỉ việc vì cảm giác làm nông vất vả, nhưng lại thấy hạnh phúc lạ thường”, anh Chinh trải lòng.
Hạnh phúc không đến từ bàn giấy
Vợ chồng anh Chinh nghỉ việc trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bố mẹ ủng hộ, nhưng họ hàng xa gần lại dè bỉu: “Học cho lắm rồi về làm nông dân”. Dù chạnh lòng, đôi vợ chồng tiến sĩ vẫn quyết bỏ ngoài tai.
“Tôi nhớ như in lần đi giao rau cho một nữ công nhân đang mang thai. Nhiều người nghĩ người lao động tay chân thường chuộng thực phẩm rẻ, không quá quan tâm về chất lượng nhưng nữ công nhân này lại khác.
Lúc đó, tôi thấy được nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho thế hệ tương lai quan trọng đến mức nào. Điều đó tạo động lực cho chúng tôi ngày đêm cố gắng trồng, mang đến những nông sản sạch cho người tiêu dùng”, anh Chinh tâm niệm.
Trồng theo phương pháp hữu cơ, rau không thể lớn nhanh như kiểu dùng thuốc hóa học thông thường. Tuy nhiên, anh Chinh vẫn không gấp gáp.
Đặt ra tiêu chí mang đến nông sản sạch, nông trại luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc: không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không hóa chất bảo vệ thực vật, không dùng giống biến đổi gen và không chất kích thích sinh trưởng.
Từ chủ đến thợ tại nông trại bắt sâu bằng tay, dùng công nghệ vi sinh, tự lắp đặt hệ thống tưới bón nhỏ giọt. Người làm tại đây cũng không đốt cỏ làm ô nhiễm môi trường mà chỉ phun vi sinh học cho đất mủn.
Ngoài ra, anh Chinh còn mày mò, nghiên cứu, tự sáng tạo các loại máy móc, dụng cụ như chiếc khay gieo hạt bán tự động từ tấm nhựa và gỗ.
Khi khách hàng biết đến sản phẩm vườn nhà nhiều hơn thì cũng là lúc dịch Covid-19 ập tới. Vợ chồng anh Chinh là người làm phải ở yên trong nông trại suốt nhiều tháng, hằng ngày chỉ quanh quẩn ở mảnh vườn. Nhờ vậy, họ càng chuyên tâm trồng hái, nâng tầm chất lượng sản phẩm.
Hết giãn cách, đôi vợ chồng khởi nghiệp lại đối mặt với thiên tai, mưa lũ. Chứng kiến cảnh cả vườn rau bị ngập úng, cây không sống nổi, nước mắt cả hai hòa lẫn với nước mưa.
“Lúc đó, tôi cố đào đất, khơi thông rãnh mà vẫn không kịp tiêu thoát nước cho vườn. Mất trắng, vợ chồng ôm nhau, khóc nghẹn, nhưng vẫn bảo nhau “phải vực dậy”, anh Chinh nói.
Cặp đôi đã không bỏ cuộc. Vào mùa vụ mới, họ quyết tâm làm lại từ đầu. Rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, nhóm đã tránh được nhiều sai sót, sản lượng rau quả tại nông trại tăng dần. Năm 2021, rau vườn nhà đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tận dụng mối quan hệ, mạng xã hội và thông tin truyền miệng của người dân địa phương, nông trại có thêm nguồn khách hàng. Khu vườn bắt đầu có lãi, đủ khả năng trả lương nhân công, duy trì vốn để xoay vòng sản xuất.
Sau 4 năm hoạt động, hiện tại hằng tháng, nông trại cung cấp cho thị trường 4-5 tấn nông sản, với 100 loại rau, củ khác nhau. Vợ chồng anh Chinh tạo việc làm cho 10 lao động lớn tuổi, khuyết tật ở địa phương. Nông trại cũng đón sinh viên nông nghiệp đầu tiên đến thực tập, trải nghiệm.
“Mỗi người có một cách sống riêng, chọn cách nào cũng được, miễn là có ích cho xã hội. Chúng tôi sống cuộc đời của nông dân, ăn uống, làm việc như một nông dân và hạnh phúc theo kiểu của một nông dân.
Hạnh phúc ấy đơn giản là được thức dậy với những hàng rau xanh mướt, được ăn cơm với rau và mang số rau sạch ấy cho những người khác”, anh Chinh tâm đắc.
Ảnh: Ảnh: NVCC