Cho lao động nhận 50% nhưng không giới hạn số lần rút sẽ khó chấm dứt tình trạng hưởng trợ cấp một lần, số tiền còn lại trong quỹ ít nên lương hưu không cao, theo BHXH TP HCM.
Phân tích được ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP HCM, nói tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ 6 tháng đầu năm, chiều 13/6. “Quan điểm của bảo hiểm xã hội thành phố là ủng hộ phương án một”, ông Hà nói.
Ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, tại hội nghị chiều 13/6. Ảnh: An Phương
Quan điểm của BHXH TP HCM đưa ra trong bối cảnh Thường vụ Quốc hội tiếp tục trình hai phương án về nhận trợ cấp một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Phương án một là phân loại hai nhóm lao động để giải quyết rút BHXH một lần. Người tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu thì được rút. Người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau 1/7/2025 không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.
Phương án hai là lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ. Chính sách áp dụng với lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm mà sau 12 tháng không thuộc diện tham gia khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện, muốn rút một lần.
Theo ông Hà, nếu phương án hai được lựa chọn, việc hưởng BHXH một lần tiếp tục được thực hiện, tuy nhiên lúc này số tiền lao động nhận được chỉ bằng một nửa so với luật hiện hành. Nếu người lao động thực sự rơi vào hoàn cảnh khó khăn và cần khoản trợ cấp một lần để giải quyết thì số tiền này không đủ.
“Như vậy họ không đạt được nhu cầu cần tiền giải quyết khó khăn, dễ gây bức xúc”, ông Hà nói. Mặt khác, số tiền để lại trong quỹ cũng chỉ còn 50%, khi về già lương hưu rất thấp, không đảm bảo được cuộc sống.
Ngoài ra, một vấn đề cần tính đến ở phương án hai là chính sách không giới hạn số lần rút. Như vậy, thay vì theo quy định hiện hành việc rời bỏ hệ thống an sinh bằng cách rút hết số tiền đóng được là BHXH một lần thì lúc này sẽ là BHXH nhiều lần. Điều này gây ra khó khăn nhất định cho cơ quan quản lý khi giải quyết chế độ.
Lãnh đạo BHXH thành phố cho rằng trong suốt thời gian luật cho rút, người lao động đã hình thành thói quen “nhận một cục” và có kế hoạch riêng cho mình. Tuy nhiên, khi chốt thời điểm đóng để được giải quyết cho rút hay không, người lao động sẽ có tâm thế chuẩn bị và không gây xáo trộn nhóm đang tham gia.
“Phương án một sẽ nhắc nhở lao động từ sau khi luật có hiệu lực, tham gia là ở lại với hệ thống để đi đến đích cuối cùng là lương hưu, đảm bảo cuộc sống về già”, ông Hà nói. Do đó, phương án này về lâu dài sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng rút BHXH một lần.
Người dân chờ rút bảo hiểm xã hội một lần tại TP HCM vào ngày 11/4/2022. Ảnh: Đình Văn
Bên cạnh đó, đại diện BHXH TP HCM cho rằng trong bối cảnh thu nhập của một bộ phận lao động còn thấp, chính sách cần có thêm các giải pháp hỗ trợ khi họ gặp khó khăn như cho vay vốn lãi suất thấp, cải cách tiền lương…
Trước đó, ngày 27/5, khi thảo luận hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thường vụ Quốc hội cho rằng rút bảo hiểm một lần là vấn đề khó, liên quan trực tiếp đến quyền lợi lao động nên đề nghị đại biểu thảo luận kỹ để chọn một phương án.
Thống kê giai đoạn 2016-2022 gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt. Khoảng 99% lao động rút một lần sau một năm ngừng đóng và phần lớn làm việc trong doanh nghiệp.
Nhiều năm qua, TP HCM luôn dẫn đầu cả nước về số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Từ năm 2018-2023, bình quân mỗi năm thành phố ghi nhận trên 100.000 người rời hệ thống an sinh qua hình thức nhận trợ cấp một lần, chiếm trên 10% tổng số người rút BHXH của cả nước.
Thành phố cũng là địa phương xảy ra hai cuộc ngừng việc diện rộng của hàng chục nghìn công nhân khi chính sách hưởng BHXH một lần thay đổi vào các năm 2003 và 2015. Hiện, thành phố có hơn 2,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc.
Lê Tuyết