Lê Phúc Thịnh lừa nhiều người dân môi giới đưa đi Hàn Quốc lao động, sau khi nhận tiền Thịnh tiêu xài cá nhân không đưa được ai đi lao động. Ảnh: Nhật Hồ
Hàng loạt vụ lừa đảo được phát hiện
Đầu thành 6.2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Phạm Thị Kiệu (36 tuổi, tạm trú ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh, Cà Mau).
Theo điều tra ban đầu, Kiệu nói với mọi người rằng em gái mình có chồng đang sinh sống ở Hàn Quốc, có thể bảo lãnh sang Hàn Quốc lao động thời vụ từ 6 đến 10 tháng. Khi hết thời hạn về lại Việt Nam, sau đó làm hồ sơ đi Hàn Quốc tiếp mà không cần đăng ký đi xuất khẩu lao động theo chương trình của tỉnh.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau – nơi tiếp nhận hồ sơ xuất khẩu lao động cũng là nơi đưa ra cảnh báo lừa đảo, nhưng nhiều người vẫn sập bẫy. Ảnh: Nhật Hồ
Tin lời, nhiều người đưa tiền cho Kiệu làm hồ sơ để được đi lao động ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi nhận tiền, Kiệu rời khỏi địa phương. Nhiều nạn nhân làm đơn tố giác đến cơ quan công an.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, khoảng cuối năm 2022 đến tháng 6.2023, Kiệu nhận tiền của nhiều người dân trên địa bàn xã Khánh Lâm, xã Khánh Hội, huyện U Minh và xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau tổng cộng hơn 1,7 tỉ đồng.
Cuối tháng 5.2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Lê Phúc Thịnh (SN 1993, ngụ ấp Nhàn Dân A, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) để điều tra, làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ đầu năm 2023, với danh nghĩa là nhân viên tuyển dụng lao động của một công ty có địa chỉ tại thành phố Cà Mau, Thịnh đã nhận số tiền trên 800 triệu đồng của hơn 10 người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Đồng thời, Thịnh hứa hẹn trong vòng 6 tháng sẽ làm xong các thủ tục hồ sơ để đưa mọi người đi xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, qua hơn 8 tháng Thịnh vẫn không đưa được trường hợp nào đi xuất khẩu lao động như đã hứa hẹn. Các bị hại đã yêu cầu trả lại tiền, Thịnh hứa hẹn nhiều lần, nhưng vẫn không trả tiền cho các bị hại. Tất cả số tiền chiếm đoạt được, Thịnh dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Quá tin vào mạng xã hội
Bà Quách Thanh Thoảng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau – kể lại sự việc: Ngày 28.5, anh Danh Văn H, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau gọi đến Trung tâm hỏi về quy trình đi xuất khẩu lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Trung tâm đã tư vấn rõ quy trình, bao gồm việc người lao động phải có thời gian học tiếng Hàn, sau đó phải thi tuyển…
Tuy nhiên, ngay sau đó, anh H đã tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội và gặp một tài khoản Facebook tự xưng là nhà tuyển dụng lao động sang Hàn Quốc. Người này đã lập toàn bộ hồ sơ có chữ ký giả mạo của Trung tâm Lao động ngoài nước và yêu cầu anh H chuyển tiền 3 lần, với tổng số tiền khoảng 10 triệu đồng. Anh H liên hệ lại với Trung tâm và nhận ra mình đã bị lừa.
Theo bà Thoảng, Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội đang xác minh một số trường hợp người lao động bị lừa tiền khi đăng ký lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Bà Thoảng cho biết: “Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và mong muốn nhanh chóng được ra nước ngoài làm việc của người lao động để chiếm đoạt tiền. Các công ty này liên lạc với người lao động qua mạng xã hội, đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn về việc làm và yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục, sau đó biến mất khi đã nhận được tiền”.
Bà Thoảng khuyến cáo, người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nên liên hệ trực tiếp với các cơ quan chính quyền địa phương, trực tiếp là Phòng Lao động Thương binh Xã hội các huyện, thành phố hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau để được hỗ trợ và hướng dẫn chi tiết. Tránh tin tưởng và chuyển tiền cho những cá nhân, công ty không rõ nguồn gốc hoặc không được cơ quan chức năng công nhận.