Tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát, đánh giá, đề xuất chính sách giảm giờ làm đối với người lao động.
Điều này nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn về quá trình nâng cao năng suất lao động của Việt Nam hiện nay và trình độ phát triển của đất nước.
Kiến nghị giảm giờ làm việc dưới 48 giờ/tuần đã nhiều lần được đề cập (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Trước đó, tại diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”, Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty Changshin Việt Nam Đặng Tuấn Tú đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/tuần cho phù hợp và theo kịp các nước cùng khu vực.
Theo ông Tú, việc giảm thời gian làm việc tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi dài hơn để tái tạo sức khỏe và chăm lo hạnh phúc gia đình.
Luật lao động hiện hành quy định lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho lao động biết.