Những dấu hiệu trái chiều về sức khỏe nền kinh tế Mỹ

Những dấu hiệu trái chiều về sức khỏe nền kinh tế Mỹ

Biên phòng – Nền kinh tế Mỹ hiện nay đang có nhiều tín hiệu khởi sắc sau khoảng thời gian chịu đựng nhiều bất ổn. Tuy nhiên, nền kinh tế của siêu cường thế giới vẫn hiện hữu những dấu hiệu cảnh báo tiêu cực.


Tàu container cập cảng Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Nhiều tín hiệu khởi sắc

Gần đây, truyền thông Mỹ dẫn các số liệu thống kê từ cơ quan hữu quan của nước này cho biết, hiện nay có 8,5 triệu cơ hội việc làm, vượt qua số lượng cơ hội việc làm thời kỳ trước đại dịch Covid-19 là 1,5 triệu. Số lượng người thất nghiệp hiện nay là 6,5 triệu người, tức là mỗi người thất nghiệp có nhiều hơn 1 cơ hội việc làm. Trong khi đó, thập kỷ trước đại dịch Covid-19 (2010 – 2019), mỗi người thất nghiệp chỉ có 0,6 cơ hội việc làm. Việc gia tăng đáng kể số lượng cơ hội việc làm là một trong những mặt chuyển biến tích cực hàng đầu của nền kinh tế Mỹ.

Trong một báo cáo gần đây của Cục Thống kê lao động Mỹ, thu nhập trung bình mỗi giờ của người Mỹ cao hơn 22% so với trước đại dịch. Đây cũng là một mặt tích cực, cho thấy mức tăng lương cao hơn tốc độ tăng của giá cả thị trường.

Song hành với những tín hiệu khởi sắc là những dấu hiệu cảnh báo. Theo truyền thông Mỹ, hiện nay, lạm phát đã “hạ nhiệt” đáng kể so với “mức đỉnh” vào mùa hè năm 2022. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lạm phát ở mức 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn là hành trình tương đối dài.

Trong các phát biểu trên phương tiện đại chúng vào những ngày cuối tháng trước, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết, bước sang năm 2024, nhiều dự báo cho thấy, nền kinh tế Mỹ đang ở vị thế tốt, là giai đoạn phù hợp để cắt giảm lãi suất. Song thực tế 3 tháng đầu năm cho thấy điều ngược lại, khi dữ liệu về lạm phát và hoạt động kinh tế đều “nóng” hơn nhiều so với dự đoán. Ông Waller nhìn nhận, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 cho thấy mức lạm phát giảm nhẹ là điều đáng hoan nghênh. Dẫu vậy, mức độ lạm phát hiện nay không phải là tốt, cũng không phải là kém.

Người tiêu dùng Mỹ thì tin rằng, lạm phát sẽ tăng cao hơn trong năm tới, bởi kỳ vọng lạm phát có thể kiểm soát hiệu quả tốc độ tăng giá nên các doanh nghiệp sẽ tính đến những kỳ vọng đó khi định giá hàng hóa và dịch vụ. Điều đó có thể dẫn đến giá cao hơn.

Giới chuyên gia kinh tế Mỹ cho biết, số liệu ban đầu về chi tiêu bán lẻ trong tháng 4 yếu hơn nhiều so với dự kiến, do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Điều này được xem là tích cực khi không thúc đẩy các nhà bán lẻ chuyển mức giá cao hơn cho người tiêu dùng, nếu họ không sẵn sàng chấp nhận. Dẫu vậy, do chi tiêu của người tiêu dùng là một trong những động lực lớn nhất của nền kinh tế, nên sự suy giảm chi tiêu dùng cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ.

Nhiều dấu hiệu cảnh báo

Dù nhiều chuyên gia đánh giá, nền kinh tế Mỹ đang có những tín hiệu cho thấy sự ổn định. Song những dấu hiệu cảnh báo cho thấy, sự ổn định này vẫn ở ranh giới mong manh.

Bên cạnh những dấu hiệu nêu trên, vấn đề đáng báo động lớn nhất trong nền kinh tế Mỹ hiện nay là mức nợ mà người dân đang phải gánh chồng chất. Theo giới chuyên gia, trong hơn 2 thập kỷ qua, nhiều thời điểm chi tiêu của người tiêu dùng được duy trì rất tốt khi đối mặt với tình trạng lạm phát cao hơn kết hợp với lãi suất cao nhất. Nguyên nhân là bởi người tiêu dùng không nhất thiết phải chi tiêu trong khả năng của họ.

Bối cảnh hiện nay đã khác. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, bối cảnh bất ổn đã khiến tiền tiết kiệm tích lũy của rất nhiều người đã “bốc hơi”, dẫn tới sự gia tăng giao dịch mua hàng bằng thẻ tín dụng không được hoàn trả đúng hạn. Yếu tố này cộng hưởng với tình trạng “hạ nhiệt” của thị trường lao động đang làm giảm đòn bẩy của người lao động. Đồng thời khiến một số hộ gia đình mắc nợ nhiều hơn và rơi vào tình trạng nợ quá hạn nghiêm trọng, nghĩa là trả chậm hơn 90 ngày. Dữ liệu gần đây của Fed tại thành phố New York cho thấy, tỷ lệ số dư thẻ tín dụng bị quá hạn nghiêm trọng đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012.

Ông Sung Won Sohn – Giáo sư kinh tế và tài chính của Đại học Loyola Marymount (Mỹ) nhận định, mức nợ tiêu dùng và tỷ lệ nợ quá hạn đang ngày càng tăng. Trong kịch bản tình trạng này tiếp tục, rất có thể xảy ra những tác động kinh tế vĩ mô đòi hỏi sự quan tâm từ các nhà hoạch định chính sách kinh tế. Khi thu nhập dồn vào việc trả nợ nhiều hơn, người tiêu dùng sẽ có ít thu nhập khả dụng hơn cho các giao dịch mua bán khác.

Theo Giáo sư Sohn, tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng có thể sẽ buộc các ngân hàng và những người cho vay phải cho vay ít tiền hơn đối với những người đi vay được coi là rủi ro. Bên cho vạy cũng có thể sẽ tính lãi suất vay cao hơn. Những tác động này khi cộng hưởng với nhau có thể sẽ gây ra tình trạng suy thoái kinh tế trên diện rộng.

Tựu chung trong các phân tích của giới chuyên gia cho thấy, nền kinh tế Mỹ có những chuyển biến kỳ lạ. Dấu hiệu tích cực là lượng cơ hội việc làm gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nhiều thập kỷ gần đây. Thông thường, đây là những tín hiệu cho thấy sự thịnh vượng.

Tuy nhiên, một phần lớn người dân, đặc biệt là giới trẻ Mỹ gánh khoản nợ thẻ tín dụng cao đến mức nhiều tổ chức tín dụng đã phải áp dụng biện pháp ngừng cho vay thêm tiền.

Hai mặt trái ngược này được giới chuyên gia nhìn nhận là những vấn đề chính đang xảy ra trong nền kinh tế Mỹ, khiến sự ổn định đang ở ranh giới mong manh.

Trong các phát biểu trước công chúng gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá, nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ và hiếm khi có được vị thế tốt như hiện nay. Trái ngược quan điểm này, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – đối thủ của ông Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới cho rằng, nền kinh tế Mỹ đang suy thoái và hỗn loạn.

Thanh Trúc