“Phá lời nguyền” khởi nghiệp
Buổi chiều đầu tháng 6, mặc cho trời nắng chang chang, bà Mai Thị Huê (52 tuổi, thôn Đông Xuân, xã Nga Thành, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) vẫn tất bật bên luống dưa lúc lỉu quả. Bà cắt tỉa nhánh, loại bỏ những quả dưa không đạt yêu cầu.
“Trồng dưa vàng nông nghiệp công nghệ cao thời 4.0 trong nhà màng, người nông dân nhàn nhã, do ít chịu ảnh hưởng, tác động của thời tiết”, bà Huê nói.
Mỗi năm bà Huê thu gần nửa tỷ đồng từ 4.000m2 dưa vàng trong nhà màng (Ảnh: Hạnh Linh).
Theo bà Huê, mỗi năm bà trồng 4 vụ và thu khoảng 24 tấn dưa. Dưa vàng được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá dao động 30.000-40.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, bà thu về gần 500 triệu đồng. Vườn dưa cũng tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động ở địa phương.
Câu chuyện làm kinh tế của nữ nông dân bắt đầu từ 3 năm trước. Bà Huê kể, sau khi chồng qua đời, cuộc sống của 3 mẹ con vô cùng khó khăn. Không cam chịu cảnh phải “chạy ăn” từng bữa, bà Huê vay mượn nửa tỷ đồng đầu tư vào 2.000m2 nhà màng để trồng dưa vàng.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, dưa vàng sinh trưởng, phát triển tốt (Ảnh: Hạnh Linh).
“Bạn bè, người thân nghĩ tôi một phụ nữ đơn thân nên yên phận. Họ lo lắng, khuyên tôi từ bỏ giấc mơ trồng dưa trong nhà màng vì kinh phí đầu tư quá lớn. Cánh đồng Ngã Đu cỏ mọc rậm, đất hoang hóa, chưa có hộ dân nào dám trồng dưa, tôi mạo hiểm như vậy chỉ có phá sản”, bà chủ vườn dưa nhớ lại.
Bỏ ngoài tai những khuyên nhủ, bà Huê âm thầm với quyết định của mình. Người phụ nữ đầu tư máy móc, thuê người cải tạo đất, làm nhà màng, mua giống dưa về ươm, trồng.
Với một người “mù công nghệ”, bà Huê vừa làm vừa nhờ con lên mạng, đi đến những hộ đã trồng dưa vàng tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc loại cây này. May mắn, vụ dưa đầu tiên xuống giống, sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch sau 65 ngày.
Mỗi cây dưa vàng chỉ thu được 1 quả/vụ (Ảnh: Hạnh Linh).
“Nhìn luống dưa xanh mướt, ra hoa, kết quả, lòng tôi rộn rã. Khi những quả dưa vàng ươm, chín mọng, cắt vào ăn thử thấy rất thơm, giòn, ngọt. Đến ngày thu hoạch, thương lái kéo đến mua, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, bà Huê vui vẻ kể.
Nữ nông dân cho biết, trồng dưa vàng trong nhà màng yêu cầu cả kinh nghiệm lẫn kỹ thuật chăm sóc. Một cây dưa vàng có rất nhiều quả nhưng phải cắt bớt, chỉ để lại 1 quả. Bằng kinh nghiệm, người trồng sẽ tính toán, ước chừng quả dưa có trọng lượng nặng 1.8kg là dừng chăm sóc, chờ dưa chín.
“Một cây dưa vàng mỗi vụ chỉ thu được một quả, sau đó sẽ nhổ bỏ gốc. Dưa đồng trọng lượng 1.8kg sẽ có giá đắt vì đảm bảo chất lượng. Nếu dưa vượt trọng lượng thì sẽ bị trượt giá, chất lượng cũng không còn được như ý muốn”, bà Huê chia sẻ bí quyết tạo ra một quả dưa ngon.
Tạo nguồn lực, giúp nông dân làm giàu không khó!
Vụ dưa đầu tiên cho quả ngọt, lãi gấp 10 lần so với cấy lúa, khiến bà Huê có thêm động lực mở rộng thêm diện tích. Số tiền dành dụm chưa đủ, bà mạnh dạn làm đơn vay thêm 100 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nga Sơn. Có vốn, bà Huê nhân rộng mô hình trồng dưa trong nhà màng lên 4.000m2.
Bà Huê sắp “đút túi” hàng chục triệu đồng từ vườn dưa vàng (Ảnh: Hạnh Linh).
Với 4.000m2, bà Huê chia làm 2 nhà màng để trồng dưa gối vụ. Vì thế tháng nào bà cũng có dưa bán, thu tiền tươi, thóc thật đều đều.
“Chi phí đầu tư cho việc trồng dưa trong nhà màng cao nhưng trồng là ăn chắc, thắng lớn. Nếu cứ đà dưa đạt năng suất, có giá ổn định những nông dân như chúng tôi làm giàu không khó”, bà Huê nói.
Ông Thịnh Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Nga Thành, cho biết, là phụ nữ yếu thế nhưng bà Huê đã nuôi con ăn học, trưởng thành, tự tay gây dựng mô hình, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều người.
Tại xã Nga Thành hiện có 75 mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình đều mang lại thu nhập tốt, giúp nhiều gia đình trở nên giàu có.
Hệ thống nhà màng được bà Huê đầu tư bài bản (Ảnh: Hạnh Linh).
“Ban đầu, những nông dân như bà Huê đều gặp khó khăn về nguồn vốn để khởi nghiệp. Thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, UBND xã tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn vay vốn. Vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội là “cứu cánh” cho người nghèo, hộ khó khăn vươn lên làm giàu”, ông Đại nói.
Ngày 22/11/2014, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội ra đời đã tạo “luồng sinh khí mới”, thúc đẩy thay đổi tư duy, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội.
Chỉ thị hướng đến sự chủ động trong việc phối hợp triển khai có hiệu quả, đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng tăng trưởng, phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng.
Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội “tiếp sức” một bộ phận lớn người nghèo, hộ chính sách, vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn để “xóa” nghèo. Tín dụng chính sách góp phần trong việc thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo, tạo sinh kế cho người dân, tạo sự ổn định trong phát triển kinh tế, xã hội.
Theo ông Cù Minh Thanh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nga Sơn, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 đã có 64.387 lượt hộ nghèo và các đối tượng được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội; hơn 11.000 hộ vượt ngưỡng nghèo; 3.568 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; hơn 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn.
Nguồn vốn tín dụng cũng giúp 2.546 hộ nghèo, các đối tượng chính sách có nhà kiên cố…
Tính đến 30/4, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Nga Sơn đạt gần 574 tỷ đồng, tăng trên 205 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40, với 10.915 hộ vay. 13 chương trình tín dụng đang được triển khai, nợ quá hạn và nợ khoanh ngày càng giảm.