Sinh ra ở vùng quê thuần nông, anh Tình ấp ủ ý định làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Do điều kiện gia đình, anh Tình phải sớm từ bỏ giấc mơ giảng đường, sau đó tham gia lực lượng dân quân tự vệ xã. Thời gian này, anh bắt đầu chạy xe tải chở hàng ở địa phương nhưng thu nhập bấp bênh nên anh cũng nghỉ.
Năm 2017, sau khi lấy vợ, anh Tình vào khu đất gò của gia đình đầu tư hơn nửa tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi heo (lợn) thịt.
Thất bại nặng trong nuôi heo, anh Tình chuyển qua nuôi chim bồ câu Thái mang lại hiệu quả bất ngờ (Ảnh: Doãn Công).
“Khi đó, trong chuồng lúc nào cũng khoảng 200 con heo thịt, nhưng giá cả liên tục xuống thấp nên thua lỗ nặng. Nợ nần chồng chất, trụ không nổi, tôi bán hết, chỉ giữ lại vài con heo nái sinh sản, sau đó chuyển qua nuôi chim bồ câu”, anh Tình kể.
Theo anh Tình, qua tìm hiểu các mô hình làm kinh tế giỏi, anh nhận thấy nuôi chim bồ câu Thái dễ chăm sóc, ít dịch bệnh và nhu cầu thị trường khá ổn định.
Năm 2022, anh Tình vào TPHCM tham quan mô hình nuôi chim bồ câu và được chủ trang trại tận tình hướng dẫn. Sau đó, anh quyết định mua 200 cặp chim bồ câu bố mẹ, giá mỗi cặp 520.000 đồng về nuôi.
“So với nuôi heo, nuôi chim bồ câu nhẹ nhàng hơn rất nhiều, ít dịch bệnh, thức ăn cũng dễ kiếm. Chim mái khoảng 5-6 tháng tuổi là sinh đẻ, sau khi ấp 15-18 ngày, trứng sẽ nở, chim non sau 22-28 ngày là xuất bán chim thương phẩm”, anh Tình nói.
Chim bồ câu từ lúc đẻ trứng đến khi xuất bán chỉ khoảng 45 ngày (Ảnh: Doãn Công).
Để có đầu ra, anh Tình lặn lội ra các chợ tìm mối bán lẻ. Hiện nay, anh Tình đã có đầu ra ổn định khi cung cấp cho một nhà hàng lớn ở TPHCM.
Theo anh Tình, hiện trại nuôi chim bồ câu của anh đã nhân giống được 500 cặp chim bố mẹ và khoảng 700 chim bồ câu thịt. Cứ 3 ngày, anh Tình xuất bán một lứa (trên 100 con), giá mỗi con chim đã làm thịt là 75.000 đồng, cao hơn giá bán tại địa phương 15.000 đồng. Trung bình mỗi tháng, anh Tình thu nhập đã trừ chi phí đạt 10-15 triệu đồng.
Ngoài nguồn hàng tự nuôi, anh Tình cũng gom chim bồ câu trong vùng để đảm bảo nguồn cung cấp ra thị trường.
Anh Tình cho biết thêm, thời gian tới khi có nguồn vốn ổn định, anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô lên khoảng 1.500 chim bố mẹ. Đồng thời, vận động chia sẻ nhiều hộ cùng nhau nuôi, xây dựng thành chuỗi giá trị sản xuất, tạo đầu ra sản phẩm có giá trị cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn.
Nuôi chim bồ câu lợi thế chiếm ít diện tích, ít công chăm sóc và đầu ra hiện đang khá ổn định (Ảnh: Doãn Công).
Ngoài ra, khi mô hình nuôi chim bồ câu đi vào ổn định, anh Tình đầu tư lại chuồng trại, tiếp tục nuôi heo. Hiện tại, anh Tình nuôi 7 con heo nái sinh sản.
Ông Man Thành Năm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hảo, đánh giá mô hình nuôi chim bồ câu Thái của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Tình còn mới ở địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Nuôi chim bồ câu Thái khá dễ dàng, không chiếm nhiều diện tích, ít công chăm sóc, dịch bệnh cũng ít, trong khi giá cả và đầu ra đang ổn định. Nếu quy mô tăng đàn lên trên 1.000 cặp chim bố mẹ, mỗi tháng cho thu nhập 30-40 triệu đồng, ở nông thôn đó là số tiền lớn”, ông Năm nói.