Thu nhập bình quân lao động 8,5 triệu đồng/tháng
Theo Bản tin thị trường lao động Việt Nam quý I/2024 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố, cả nước có 52,4 triệu người tham gia lực lượng lao động, tăng 175.800 người so với cùng kỳ năm trước.
Số lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người lao động tiếp tục tăng hơn 600.000 đồng/tháng, đạt 8,5 triệu đồng/tháng.
Người lao động tìm kiếm việc làm (Ảnh: Thanh Bình).
Về triển vọng thị trường lao động quý II, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, dự báo sẽ tăng 200.000 lao động có việc làm so với quý I, nâng số người lao động lên mức 51,5 triệu người.
Cùng với đó, 3 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng tăng là sản xuất giường, tủ, bàn ghế; ngành dệt may; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học.
Nhìn lại trong quý I, những ngành nghề tăng người lao động làm việc là dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 137.000 người.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 61.000 người; giáo dục và đào tạo tăng 50.000 người. Ngoài ra, ngành vận tải, kho bãi tăng 29.000 người so với quý trước.
Hơn 1 triệu người thất nghiệp
Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy trong quý trước, cả nước có 1,05 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 10.300 người so với quý IV/2023.
Quý I năm nay, cả nước có 168.652 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước, lần lượt giảm 81.574 người và 36.476 người.
Trong tổng số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, có 159.597 người có quyết định hưởng. Nhưng số người được hỗ trợ học nghề lại chiếm rất khiêm tốn so với số người hưởng trợ cấp, với chỉ hơn 5.300 người. Ngoài ra, có hơn 485.800 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm.
Xét theo trình độ chuyên môn, số lao động không có bằng cấp, chứng chỉ vẫn thuộc nhóm nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất, chiếm đến 62,9%.
Người dân làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh: Mạnh Dũng).
Tuy nhiên, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc nhóm có trình độ đại học trở lên lại tăng từ 15,4% trong quý IV/2023 lên 17,2% trong quý I.
Xét theo nhóm ngành, công nghiệp chế biến chế tạo đứng đầu trong 5 nhóm ngành có số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 41,5%; theo sau là nhóm ngành hoạt động dịch vụ khác, chiếm 33,6%.
Theo bản tin, xét theo nhóm nghề, thợ may, thêu và các thợ có liên quan có số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất, chiếm 24,5% trong tổng số lao động đăng ký hưởng.
Để tiếp tục ổn định thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng kết nối cung – cầu lao động trên thị trường.
Đặc biệt là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cần nhiều lao động, với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu long – nơi có nguồn nhân lực dồi dào.
Cùng với đó, Bộ này sẽ đầu tư phát triển hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm công lập, cũng như nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp.