Ông Huỳnh Trọng Hiền trong vai trò tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Cocoro, tham dự workshop “Giới thiệu việc làm tại Nhật Bản” tại Trường đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM vào năm 2022 – Ảnh: KHÁNH VY
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, TS Huỳnh Trọng Hiền – trưởng khoa Nhật Bản học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), người bị “tố” làm cả giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, trực tiếp điều hành nhiều doanh nghiệp tư nhân thời gian qua – vừa nộp đơn xin nghỉ việc.
Vụ việc lại lần nữa khiến dư luận chú ý và tạo luồng ý kiến trái chiều.
Vậy giải pháp nào để ổn thỏa chuyện giảng viên doanh nhân làm chân trong chân ngoài? Xin giới thiệu một số ý kiến của bạn đọc.
Giảng viên doanh nhân chỉ nên thỉnh giảng
– Dù vẫn ủng hộ giảng viên đại học phải tiệm cận với thực tế, đa tài đa năng… nhưng điều kiện đầu tiên là phải tuân theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu luật chưa cho phép công chức – viên chức đa nhiệm chân trong chân ngoài như vậy thì anh phải chấp hành thôi.
Bạn đọc Hà
– Việc giảng viên là người làm ở doanh nghiệp mang lại sự mới mẻ và trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên là chuyện không thể bàn cãi. Tuy nhiên những giảng viên này chỉ nên là giảng viên thỉnh giảng thôi.
Phải nói thật là giảng viên từ doanh nghiệp ít khi quan tâm, sâu sát sinh viên, ít có sự kết nối và hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên như những giảng viên chỉ làm việc ở trường.
Bạn đọc Sinh Viên
– Ai nói giảng viên đi làm doanh nghiệp mới giảng bài thực tế thì phải xem lại, vì còn tùy môn học. Trường đại học mà chỉ dạy thực chiến cho sinh viên thì sẽ trở thành trường nghề! Nếu vậy thì việc gì sinh viên phải mất 3-4 năm để học đại học, trong khi chỉ cần đi làm ở doanh nghiệp khoảng 6 tháng tới 1 năm sẽ có kinh nghiệm thực tế?
Bạn đọc Hoang Phong
– Luật quy định không cho phép công chức, viên chức đảm nhận các chức danh quản lý, điều hành doanh nghiệp là có lý do. Chưa kể vừa làm trưởng khoa vừa làm chủ hoặc điều hành nhiều doanh nghiệp cùng ngành là xung đột lợi ích với nhà trường, có sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Nếu giỏi và tâm huyết thì từ chức trưởng khoa, có thể làm giảng viên thỉnh giảng cho trường để tập trung điều hành doanh nghiệp cho tròn vai.
Bạn đọc Lý Trọng Phúc
Khó trọn vẹn đôi đường
– Thay vì cố giữ chức trưởng khoa để chịu lời đàm tiếu thì có thể nhường vị trí đó cho người nào có thể toàn tâm toàn ý với công việc này để tập trung vào phát triển công ty.
Các thầy là nguồn tri thức quý giá, vừa có chuyên môn, vừa có mối quan hệ tốt sẽ thuận lợi phát triển công ty, tạo nhiều công ăn việc làm, của cải giá trị cho xã hội. Đồng thời là cầu nối vững chắc giữa nhà trường và doanh nghiệp, lợi cả đôi đường.
Bạn đọc Vinh
– Các thầy là trưởng khoa tại những trường đại học lớn với hàng ngàn sinh viên, lại còn giữ chức vụ quan trọng tại những công ty tư nhân bên ngoài, phải khen giỏi thì có giỏi nhưng mà chưa oai.
Ở đây tôi muốn nói tới cái oai nghi của người thầy, vừa phải có kiến thức tốt truyền đạt đến người học, vừa phải tác phong chuẩn mực làm gương cho sinh viên.
Khó có thể cáng đáng hết việc điều hành doanh nghiệp vừa chu toàn công việc giảng dạy, quản lý ở trường.
Lẽ thường người ta sẽ tập trung cho sự nghiệp riêng (dù rằng sự nghiệp riêng đó ít nhiều có được là nhờ vào chức vị ở trường), chưa kể những vấn đề khác liên quan đến lợi ích. Các thầy nên rõ ràng, và nên tập trung cho nơi nào quan trọng nhất với các thầy, đừng cố ôm đồm.
Bạn đọc Cát Dương
– Mục đích của giáo dục – đào tạo là tạo ra các giá trị không chỉ cho người học mà còn cho cả cơ sở đào tạo và xã hội. Để đạt được mục đích đó, người giảng viên cần hội tụ đủ phẩm chất của một nhà giáo: vai trò là người dạy, người hướng dẫn – huấn luyện, người nghiên cứu, người quản lý.
Điều này cho thấy một giảng viên chỉ có thể mang lại giá trị tối ưu cho sự phát triển của con người và của xã hội khi bản thân họ chứng minh được lý thuyết trong sách vở trở thành hiện thực trong thực tiễn, chứng minh được sự thành công nhờ vào quá trình học.
Các quy định, quy chế chỉ là các hướng dẫn để cho quá trình này phát triển tốt nhất. Có như vậy thì mới thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực nói chung, không chỉ chất lượng đội ngũ giảng viên mà còn là chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo.
Do vậy việc trưởng khoa làm giám đốc doanh nghiệp bên ngoài mà họ vẫn thực hiện đủ, đúng vai trò, trách nhiệm ở cơ sở đào tạo thì hoàn toàn khuyến khích.
Chỉ nên phê phán những người chân trong chân ngoài mà thực hiện không đủ, không đúng vai trò, trách nhiệm của họ với người học, với cơ sở đào tạo và với xã hội.
Một bạn đọc