25/05/2024 22:42
(PLVN) – Tại Ngày hội tư vấn việc làm, hàng trăm đoàn viên thanh niên Lâm Đồng được cung cấp bức tranh tổng quan về thị trường lao động; được giải đáp các thắc mắc về đào tạo nghề cũng như được kết nối trực tiếp với nhà tuyển dụng.
Hàng trăm đoàn viên thanh niên Lâm Đồng tham gia ngày hội tư vấn việc làm.
Ngày 25/5, Ngày hội tư vấn việc làm, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên tỉnh Lâm Đồng năm 2024 được tổ chức tại huyện Đức Trọng, thu hút hơn 300 đoàn viên tham gia.
Các bạn đoàn viên được cung cấp nhiều thông tin bổ ích về việc làm.
Sự kiện do Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng phối hợp với Tỉnh đoàn Lâm Đồng, UBND huyện Đức Trọng tổ chức nhằm hỗ trợ cơ hội tìm việc làm cho người lao động, tăng cường các hoạt động đồng hành cùng với thanh niên về thông tin thị trường lao động, các chủ trương, chính sách nghề nghiệp, việc làm của tỉnh.
Ngoài 17 đơn vị tham gia tư vấn, tuyển dụng trực tiếp với 288 lao động, chương trình còn thu hút sự quan tâm của 580 doanh nghiệp với 1.520 lao động thông qua các kênh thông tin.
Tại chương trình, đông đảo đoàn viên thanh niên, các doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng đã được lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Lâm Đồng cung cấp bức tranh tổng quan về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng, xu hướng nghề nghiệp…
Đại diện Trung tâm DVVL Lâm Đồng cung cấp bức tranh tổng quan về thị trường lao động tỉnh nhà.
Đặc biệt, ban chủ trì gồm lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng; lãnh đạo Tỉnh đoàn Lâm Đồng, lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Trọng cùng các doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi, làm rõ những thắc mắc của đoàn viên thanh niên về chính sách đào tạo; công tác hỗ trợ, kết nối tìm việc làm cho lao động; thông tin thị trường xuất khẩu lao động; chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp…
Một trong những vấn đề được các bạn trẻ quan tâm là chính sách hỗ trợ đào tạo nghề.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng nhấn mạnh, sau thị trường Covid-19, thị trường lao động có sự đứt gãy. Với Lâm Đồng, một số ngành nghề như du lịch, nông nghiệp xảy ra hiện tượng thiếu hụt lao động. Từ đó, ngành Lao động Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị, nhất là Trung tâm DVVL điều tra, phân tích, đưa ra dự báo về thị trường lao động để đưa ra định hướng trong dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực…
“Rà soát và dự báo thị trường lao động là giải pháp hết sức cần thiết đề từ đó có định hướng cho cơ sở dạy nghề, nhất là có định hướng cho xuất khẩu lao động…Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm dưới nhiều hình thức như thông qua môi trường internet; tổ chức ngày hội việc làm trực tiếp tại những địa phương có nhu cầu cao…”, ông Dũng nói và cho biết thông qua ngày hội việc làm sẽ giúp người lao động biết năng lực của mình tới đâu để có định hướng cụ thể cho bản thân.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng nói về giải pháp phục hồi thị trường lao động sau đại dịch Covid-19.
Chia sẻ thêm về hiệu ứng ngày hội việc làm, ông Hoàng Trọng Vinh – Giám đốc Trung tâm DVVL Lâm Đồng cho hay, đây là lần đầu tiên Trung tâm công bố thông tin thị trường lao động, thực trạng “việc tìm người, người tìm việc” năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 tại cấp huyện. Đây là cơ sở để chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng lao động nhận diện vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Ông Hoàng Trọng Vinh – Giám đốc Trung tâm DVVL Lâm Đồng nhấn mạnh, nhu cầu tuyển dụng lao động đang rất lớn.
“Thứ nhất, ngày hội kết nối việc làm giữa người lao động và người sử dụng lao động; Thứ hai, qua đối thoại sẽ định hướng chiến lược đào tạo ngành nghề trong ngắn và dài hạn. Chẳng hạn như ngành du lịch, dịch vụ Lâm Đồng đang thiếu trên 2.000 lao động; hay nhóm ngành kỹ thuật thiếu hơn 1.000 lao động, tình trạng này kéo dài nhiều năm qua”, ông Vinh nói.
Nhằm tăng cường cơ hội việc làm cho đoàn viên thanh niên, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng Ndu Ha Biên cho biết sắp tới sẽ đẩy mạnh một số giải pháp như: Đẩy mạnh phổ biến thông tin về nhu cầu tuyển dụng, bức tranh thị trường lao động, xu hướng nghề nghiệp; Tập trung sàng lọc, phân loại nhu cầu việc theo các lĩnh vực nghề nghiệp để có định hướng kịp thời cho đoàn viên thanh niên; Tuyên truyền để mỗi đoàn viên thanh niên xác định được lối đi trong tương lai để có lựa chọn công việc phù hợp…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nguyên- Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Trọng giải đáp câu hỏi về chính sách đào tạo việc làm tại địa phương.
Về phía địa phương, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Nguyên- Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Trọng, nhu cầu tuyển dụng lao động đang lớn hơn nhiều so với nhu cầu tìm việc. Riêng ở Đức Trọng, dự báo thị trường lao động ngày càng yêu cầu cao về số lượng cũng như chất lượng. Do đó địa phương đã và đang tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nghề vùng nông thôn. Với trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyên chia sẻ mô hình ngày hội việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhỏ theo cụm, xã, thị trấn là cách làm rất hiệu quả để kết nối, tạo được tiếng nói chung giữa người lao động với nhà tuyển dụng.
Ngày hội tư vấn việc làm là cầu nối giữa người lao động và nhà tuyển dụng.
Nhà tuyển dụng tư vấn cho đoàn viên thanh niên về nhu cầu tuyển dụng.
Sau chương trình hỏi đáp, đông đảo đoàn viên thanh niên và các nhà tuyển dụng đã trực tiếp trao đổi, tìm kiếm cơ hội việc làm. Ngay tại chương trình, nhiều thoả thuận hợp tác đã được cam kết.