Cử tri đề nghị bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ vì lo chuyện “chạy điểm”

Cử tri đề nghị bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ vì lo chuyện “chạy điểm”

Đó là một trong những nội dung được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thay mặt cử tri tỉnh này gửi tới Bộ GD-ĐT trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Về điều này, Bộ GD-ĐT cho hay, theo Khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học ngày 18/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19/11/2018 quy định tổ chức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo như sau:

a) Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển;

b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.

Như vậy, theo Bộ GD-ĐT, Luật Giáo dục đại học đã quy định các cơ sở giáo dục đại học tự chủ được quyết định phương thức tuyển sinh. 

Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục đại học, trong đó cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo; đồng thời để các cơ sở giáo dục đại học thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh và quy định Bộ GD-ĐT chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế.

Bộ GD-ĐT cho rằng, dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển đại học hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học. 

Cử tri tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT quan tâm việc nhiều trường đại học, nhất là các ngành kỹ thuật, khối ngành y, dược tăng học phí rất cao, ảnh hưởng đến nguyện vọng và nhu cầu của nhiều gia đình và chưa phù hợp với mức thu nhập bình quân thực tế của người dân.

Cùng đó, điều chỉnh lộ trình thu học phí theo hướng tăng dần theo mức trần và quy định cụ thể về mặt thời gian để hoàn thành việc tăng học phí.

Về điều này, Bộ GD-ĐT cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để áp dụng từ năm học 2021 – 2022. 

Theo đó, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập năm học 2021-2022 giữ ổn định, không tăng so với năm học 2020 – 2021 để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Từ năm học 2022-2023, mức trần học phí điều chỉnh căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội của cả nước và các chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm, dự kiến đến năm 2025 tính đủ chi phí đào tạo.

Bộ GD-ĐT cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023. Theo đó giữ ổn định mức học phí năm học 2022-2023 của các cơ sở giáo dục công lập bằng mức học phí năm học 2021-2022 để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ học sinh và gia đình giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống. 


Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Cũng liên quan đến giáo dục đại học, cử tri tỉnh Nam Định cho rằng, hiện nay, các quy định về tuyển sinh đại học ngày càng phức tạp, thay đổi hàng năm. Do đó, đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, khắc phục tình trạng này.

Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho hay, công tác tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng được cụ thể hóa bằng quy chế tuyển sinh và các năm qua về cơ bản giữ ổn định, chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật và cập nhật các quy định của văn bản quy phạm cấp trên và quy định của Chính phủ.

Cụ thể, công tác tuyển sinh đại học năm 2022 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2021 và các năm gần đây, đồng thời có một số điều chỉnh kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và các cơ sở đào tạo (CSĐT):

– Toàn bộ quy trình đăng ký dự tuyển, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Hệ thống này kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây cũng là một phần nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án 06/QĐ-TTg1.

– Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết điểm sàn do các CSĐT công bố. Tất cả nguyện vọng của thí sinh trong đợt xét tuyển chính (đợt 1) được xử lý tập trung trên hệ thống để xác định ngành và trường mà thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng ưu tiên cao nhất.

Những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả như:

– Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.

– Các CSĐT được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các CSĐT tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố.

– Bộ GD-ĐT có được dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả các CSĐT, phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các CSĐT điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT thừa nhận trong quá trình triển khai tuyển sinh năm 2022 có phát sinh một vài vấn đề kỹ thuật nhỏ (như việc thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển, khó khăn trong truy nhập hệ thống thanh toán lệ phí trực tuyến), tuy nhiên, Bộ đã chỉ đạo khắc phục kịp thời, không để ảnh hưởng tới quy trình và kết quả xét tuyển. 

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và chính sách tuyển sinh, trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.