Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay, hiện nay, có 13.710 hộ gia đình sử dụng trên 13.780 nghìn lao động giúp việc gia đình.
Tỷ lệ giúp việc gia đình có tăng trong những năm gần đây, chủ yếu làm các nghề như: quản gia, nội trợ, chăm sóc người già, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, lái xe, làm vườn,…
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải thực hiện việc giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động là người giúp việc gia đình.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tỷ lệ lao động giúp việc gia đình giao kết hợp đồng bằng văn bản chiếm tỷ lệ tương đối thấp, chỉ 31,09% và chủ yếu thực hiện giao kết bằng lời nói.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, lao động giúp việc gia đình được người sử dụng lao động trả mức cao hơn mức lương tối thiểu vùng nơi người lao động làm việc. Tại Hà Nội, mức lương của người lao động dao động 5-7 triệu đồng/tháng.
Ngoài tiền lương, đa phần người lao động được thưởng tháng lương thứ 13 vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, người lao động được bố trí chỗ ăn ở, trả tiền tàu xe đi đường khi người lao động thôi việc về nơi cư trú đã được người sử dụng lao động thực hiện theo thỏa thuận.
Theo quy định, người sử dụng lao động phải trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, đa phần người lao động giúp việc gia đình hiện nay không tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế còn thấp.
Theo báo cáo, thành phố Hà Nội trong những năm vừa qua không ghi nhận trường hợp vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định pháp luật như: ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động, giao việc ngoài hợp đồng, giữ giấy tờ tùy thân của người lao động,..
Đa phần người sử dụng lao động chưa thực hiện trách nhiệm thông báo với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về việc sử dụng, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động giúp việc gia đình.