Biên phòng – Hằng năm, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) phải công bố đề án tuyển sinh, trong đó có phần báo cáo tỉ lệ sinh viên có việc làm. Qua những đề án đó cho thấy tỉ lệ sinh viên có việc làm của nhiều trường đạt ở mức rất cao, thường từ 90-99%, thậm chí nhiều trường đạt 100%. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là cơ sở quan trọng giúp định hướng nghề nghiệp, nhưng nhiều người nghi ngờ con số thống kê được thổi phồng.
Trong số 2,3 triệu lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam từ đầu năm đến nay, có rất nhiều sinh viên ĐH, CĐ. Ảnh minh họa
Trên thực tế, thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn kéo dài, tăng trưởng việc làm được dự báo sẽ chững lại, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhẹ từ mức 5,1% năm 2023 lên 5,2% vào năm 2024. Trong nước, số người có việc làm quý I/2024 đạt 51,3 triệu người, tăng 174,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù số lao động có việc làm đã trở lại xu hướng phát triển, nhưng tỉ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn (quý I/2024 là 64,8%). Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi trong quý I là 7,99%, trong đó, khu vực thành thị lên tới 10,18%.
Thực tế, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm ổn định, không làm việc đúng chuyên môn được đào tạo, thu nhập bấp bênh, không bảo hiểm, thường xuyên “nhảy việc”, thậm chí chấp nhận trở thành lao động tự do để mưu sinh trong thời gian tìm kiếm việc làm…
Qua tìm hiểu, các trường ĐH khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường mỗi năm 2 đợt, thông thường trước khi sinh viên tốt nghiệp 1 – 3 tháng và sau đó 1 – 2 năm. Nhà trường thường thống kê bằng hình thức online qua các phiếu khảo sát được gửi đến từng khoa, lớp, gồm: chỗ làm, mức lương, thời gian tìm việc sau khi ra trường.
Tuy nhiên, một số trường thừa nhận việc đưa ra số liệu sinh viên có việc làm sát với thực tế là rất khó khăn, vì số lượng phản hồi rất khó đạt được 100%. Chưa kể, không thể kiểm chứng được phản hồi có chính xác hay không.
Chuyên gia hoài nghi về tỉ lệ sinh viên có việc làm của các trường ĐH rất cao khi tỉ lệ người lao động thất nghiệp vẫn ở mức cao. Đơn cử, trong quý I/2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 28.535 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 8.483 người (chiếm 35%) có trình độ ĐH và trên ĐH mất việc. Bởi thị trường lao động cũng chỉ có nhu cầu tuyển hơn 22% nhân sự có trình độ ĐH, thấp hơn nhiều so với nhu cầu tìm việc của nhóm này.
Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm là con số thể hiện năng lực, chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH, CĐ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nếu những số liệu đó được thống kê, khảo sát bài bản, khoa học và có đủ cơ sở tin cậy thì đáng hoan nghênh. Nhưng nếu chỉ vì “số liệu đẹp” để PR tuyển sinh mà các trường làm cho có thì cần xem lại.
Để lấy được kết quả thực chất nhất về việc làm của sinh viên sau khi ra trường, cần thực hiện khoa học, công phu hơn và do một đơn vị độc lập thực hiện thì mới khách quan, chính xác.
Hiện nay, nhu cầu vị trí việc làm trên thị trường tương ứng trình độ ĐH – CĐ – sơ cấp là 1 – 3 – 5. Trong 5 năm trở lại đây, khối giáo dục nghề nghiệp đều có sự tăng trưởng 10-15%/năm. Hiện, trên 80% người học giáo dục nghề nghiệp ra trường có việc làm và quan trọng nhất là có việc làm đúng nghề, một số ngành nghề tỉ lệ này lên đến 100%.
Trong số 2,3 triệu lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam từ đầu năm đến nay, có rất nhiều sinh viên ĐH, CĐ. Điều này phản ánh nhu cầu nhân lực CĐ trở xuống trong tháp nguồn nhân lực là rất lớn trong cơ cấu chung của lực lượng lao động trên toàn thế giới.
Rõ ràng, khi chúng ta đang hướng tới phát triển nền công nghiệp hiện đại thì nhu cầu về công nhân kỹ thuật ngày càng tăng. Việc định hướng nghề nghiệp cần phù hợp với nhu cầu lao động thực tế để giảm mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường.
Hoàng Lâm