Ngày 20/5, hàng trăm người dân xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu tất bật vận chuyển tôm hùm, cá chết từ lồng nuôi lên bờ để bán cho thương lái, hi vọng vớt vát lại chút vốn để tái đầu tư.
Ông Lê Văn Cư, ở thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, buồn rầu cho biết hơn 7.000 con tôm hùm xanh có trọng lượng khoảng 0,25-0,3kg/con bỗng nhiên lăn ra chết, thiệt hại cả tỷ đồng.
Tôm hùm chết được người nuôi vớt lên bán cho thương lái (Ảnh: Phú Khánh).
Theo ông Cư, hiện tượng tôm hùm chết xảy ra từ ngày 18/5 đến sáng 20/5.
“Người nuôi nhiều chết vài tấn tôm hùm, ít cũng vài tạ. Dân có bao nhiêu của cải, vốn liếng đều đổ vào nuôi tôm, giờ không biết lấy gì ăn”, đang phân loại tôm hùm chết bà Nguyễn Thị Phương ở xã Xuân Thịnh, chua xót nói.
Không chỉ tôm hùm, mà các loại cá biển, cá tự nhiên ở khu vực vùng nuôi xã Xuân Thịnh cũng bị chết hàng loạt.
Bà Trần Thị Hoàng, trú xã Xuân Thịnh, cho biết mấy chục năm nuôi trồng, lần đầu tiên bà chứng kiến cảnh cá, tôm chết hàng loạt. Không chỉ cá nuôi mà cả cá tự nhiên cũng lăn ra chết.
Cá nuôi chết hàng loạt ở xã Xuân Thịnh (Ảnh: Phú Khánh).
“Giữa đêm cá mú của nhà tôi nổi lên mặt nước chết hàng loạt. Gia đình tôi vớt mấy tạ lên bán chỉ với giá 20.000 đồng/kg, thiệt hại nhiều quá chưa kiểm đếm được là mất bao nhiêu”, bà Hoàng chua xót nói.
Một thương lái cho biết tôm hùm chết ở xã Xuân Thịnh được thu mua từ 50.000 đồng đến 400.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ và độ tươi của tôm.
“Tôm còn tươi, có trọng lượng trên 0,2kg/con, không đứt đầu có giá 400.000 đồng/kg; loại dưới 0,2kg/con còn tươi được thu mua với giá 300.000 đồng/kg. Còn loại tôm bị đứt đầu, chết đã lâu được một số người thu mua với giá 50.000-150.000 đồng/kg”, thương lái này tiết lộ.
Tôm hùm chết được thu mua với giá 50.000-400.000 đồng/kg, tùy loại (Ảnh: Phú Khánh).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, cho biết thống kê ban đầu có 61 tấn tôm hùm và gần 30 tấn cá biển của 160 hộ nuôi ở địa phương này chết hàng loạt.
Nguyên nhân ban đầu khiến tôm, cá chết được nhận định do thời tiết nắng nóng kết hợp với mưa dông.
“Trước thời điểm xảy ra việc tôm hùm, cá chết hàng loạt ở địa phương trời nắng rất gay gắt, sau đó chuyển âm u, trời hầm nóng và mưa dông. Phía cơ quan chức năng nghi ngờ thời tiết cực đoan như trên khiến tảo biển chết nhiều nổi lên mặt nước từ đó tôm, cá thiếu ô xi cục bộ, chết hàng loạt”, ông Đạo cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết phía đơn vị đã phối hợp với Chi cục Thủy sản lấy mẫu nước và mẫu bùn đáy tại vùng nuôi để đưa đi xét nghiệm.
Thương lái thu mua tôm hùm chết (Ảnh: Phú Khánh).
Theo quan sát thực tế tại vùng nuôi, nước ở đây có khả năng bị ô nhiễm vì mùi hôi thối rất nặng mùi. Khi có kết quả các mẫu xét nghiệm trên, đơn vị sẽ phối hợp và có khuyến cáo cụ thể.
Theo ông Hòa, trước mắt, người nuôi cần di dời tạm thời số lồng bè thủy sản còn lại sang vùng nuôi khác, nhằm hạn chế thiệt hại. Chính quyền địa phương cần khẩn trương thu dọn, xử lý xác thủy sản nuôi bị chết trôi nổi trên đầm nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này.
Cá chết nổi trắng tại vùng nuôi đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu (Ảnh: Phú Khánh).
Kiểm tra hiện trường, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, đề nghị UBND thị xã Sông Cầu khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, lấy mẫu, xác định nguyên nhân gây ra tôm hùm, cá nuôi bị chết hàng loạt.
Đồng thời, có nhận định, đánh giá khả năng lây lan, có các giải pháp cụ thể nhằm khuyến cáo cho người nuôi và hạn chế thấp nhất thiệt hại.