Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội phát biểu khai mạc. Ảnh: TTXVN
Sáng 20/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.
Sau phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và Báo cáo thẩm tra về nội dung này; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô
Trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Tăng trưởng GDP quý 1/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Ảnh: TTXVN
Chính phủ nhận định tình hình thế giới, khu vực thời gian tới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo thách thức, áp lực lớn lên chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế-xã hội nước ta.
Trong nước, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn, đòi hỏi phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, đẩy mạnh tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Đồng thời, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Chính phủ tiếp tục đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập kéo dài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông…
Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức.
Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.
Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86.400 doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81.300 doanh nghiệp)…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Đáng chú ý, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra…
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và các nghị quyết khác của Quốc hội, trong những tháng còn lại của năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần tập trung điều hành kinh tế vĩ mô để tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, Chính phủ cũng cần quan tâm xác định những giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư…
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sớm giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế, an sinh xã hội… vì đây là bộ phận cư dân khó khăn nhất hiện nay.
Cùng với đó, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, vì thách thức về việc làm, thu nhập cho người dân đang là vấn đề nổi lên khá gay gắt; có giải pháp đồng bộ, căn cơ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân và đảm bảo cho sản xuất ở một số vùng khó khăn.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN
Đồng thời, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị tiến hành tổng rà soát, tập hợp toàn bộ kiến nghị của cư dân ở các khu chung cư trong toàn quốc để nghiên cứu giải quyết thỏa đáng tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý đang xảy ra khá phổ biến hiện nay, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân, công khai minh bạch để cư dân giám sát; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024.
Trong số đó, cần quan tâm giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Bảo đảm giải quyết có chất lượng kiến nghị của cử tri
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục, Đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay, có 2.210 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,7%.
Ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN
Ông Dương Thanh Bình kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp sau khi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo quy định.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những hạn chế; rà soát xử lý dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.
Theo TTXVN