Nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đang phải gồng gánh duy trì việc làm cho người lao động – Ảnh minh hoạ: GIA ĐOÀN
Một em đồng nghiệp cũ tâm sự em muốn nghỉ việc dù công việc hiện tại không chán. Tìm hiểu, mình biết em chưa có việc mới, chưa nhắm xin vào đâu, cũng không có kế hoạch tự kinh doanh. Em muốn nghỉ thư giãn 1-2 tháng rồi đi xin việc.
Mình tiếp tục hỏi: Trường hợp sau 1-2 tháng đó, em không xin được việc thì sao? Tiền dành dụm và bảo hiểm thất nghiệp của em trụ được bao lâu? Em trả lời: đến đâu hay đến đó…
Duy trì công việc ổn định cũng cần nỗ lực lớn
“Đến đâu hay đến đó” là câu tự an ủi của không ít người trong trạng thái mông lung không lối thoát. Đôi khi tình thế cuộc sống đẩy con người vào suy nghĩ “đến đâu hay đến đó”.
Nhưng cũng có một số bạn trẻ tự đẩy mình vào con đường này, vô tình biến tương lai trở nên mông lung và mịt mù.
Hai năm qua, bóng ma suy thoái kinh tế đang hiện diện, dù có lạc quan hay né tránh nhìn nhận thì ai cũng phải thấy.
Không ít doanh nghiệp lớn nhỏ phải đóng cửa, cơ hội việc làm khan hiếm kéo theo nhiều hệ lụy trong đời sống không chỉ với người làm chủ mà còn với người làm công.
Ai đang làm ở những nhà máy sản xuất hay dịch vụ đều thấy sản lượng và doanh thu trong những năm qua thê thảm thế nào. Rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động gắng gượng, chờ từng ngày đến thời điểm phục hồi.
Duy trì công việc hiện tại cho nhân viên là một thử thách cho doanh nghiệp, nói không quá thì những ai vẫn đang có công việc ổn định là sự may mắn trong thời gian này.
Vì thế, duy trì giữ một công việc ổn định vào lúc này cũng là một nỗ lực cần phải vượt qua của người lao động.
Chúng ta cần thực tế, đừng bao giờ đẩy bản thân mình vào con đường “đến đâu hay đến đó”.
Xin việc mãi không được dễ ì và tự ti
Đừng tự khiến tương lai sự nghiệp của mình trở nên bấp bênh và mông lung chỉ vì đột nhiên muốn nghỉ việc – Ảnh minh họa: My Careers Future
Không ít bạn trải dài trong những ngày thất nghiệp, nhảy việc nhiều năm liền dẫn đến chán nản. Mất đi tính liên tục trong công việc là mất đi trải nghiệm kinh nghiệm trong công việc. Đó là điểm trừ vô cùng lớn cho việc xin ứng tuyển.
Không ít người đã nghỉ 1-2 tháng để thư giãn, rồi tích cực đi xin việc. Sau một thời gian không tìm được nơi có mức lương và môi trường tốt hơn nơi cũ thì chán nản, bỏ cuộc. Sau vài tháng, sức ì trong con người ngày càng lớn, động lực sau những lần xin và thử việc thất bại làm cho bạn trở nên mất tự tin.
Nếu ai đã trải qua mà hiểu và nhận ra được điểm yếu của mình thì sẽ tranh thủ cố gắng trau dồi kiến thức và kỹ năng đang còn thiếu, để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng, đồng thời dễ dàng tiếp cận được công việc như mong muốn.
Tất cả cần ý chí và một tinh thần cầu tiến vượt qua giai đoạn thử thách này.
Còn một khi chưa xác định được phương hướng trong tương lai thì khoan hãy nộp đơn thôi việc. Trừ khi bạn thật giàu có và đi làm vì đam mê chứ không vì trách nhiệm kinh tế với gia đình và bản thân mình.
“Đến đâu hay đến đó” không phù hợp với thực tế. Đừng bị ảnh hưởng bởi những khóa học làm giàu nhanh chóng và đầy rẫy trên mạng. Càng nhiều công việc mất đi, càng nhiều người thất nghiệp thì sẽ càng có nhiều người bán khóa học làm giàu. Hãy tỉnh táo và đưa ra lựa chọn nghề nghiệp sáng suốt.