Chính phủ đề xuất thí điểm lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, gắn với cảng Liên Chiểu và sân bay. Đây là mô hình kinh tế chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng phổ biến và rất được chú trọng trên thế giới, giúp tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy thương mại, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Đề xuất cho TP. Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do đầu tiên của cả nước
Chiều 14/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Nghị quyết quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể, trong đó có 7 chính sách hoàn toàn tương tự các địa phương khác.
Đáng chú ý là có 5 chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố, bao gồm thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với Khu thương mại tự do, trong khi đó, đây là mô hình kinh tế phổ biến và rất được chú trọng trên thế giới để thúc đẩy thương mại quốc tế và thu hút FDI, nhiều nước đã thành công với mô hình này như Trung Quốc, EU, Singapore, Hàn Quốc…
Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới và kết hợp hài hòa với các mô hình kinh tế tương đồng đã có sẵn khung cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật Việt Nam, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, Bộ trưởng báo cáo.
Theo đề xuất, Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu chức năng được phân cấp cho UBND Thành phố. Cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng như Khu kinh tế.
Các doanh nghiệp trong Khu thương mại tự do được áp dụng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan. Ban quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Khu thương mại tự do Đà Nẵng có thẩm quyền thực hiện quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, trên các lĩnh vực.
Phản biện đề xuất trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng việc thành lập khu thương mại tự do là chủ trương lớn. Nếu thực hiện thành công, theo ông, sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, khu vực miền Trung.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn về tác động, hiệu quả các ưu đãi thuế, thủ tục hải quan dành cho khu này tới thu ngân sách, kinh tế.
Ông Mạnh cho rằng, mô hình khu thương mại tự do là mới, nên cần có các cơ chế thu hút cao hơn. Nếu chỉ tương đương với các chính sách hiện có, thì mô hình này khó cạnh tranh được với các khu kinh tế, công nghiệp khác trong cả nước.
Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, TP. Đà Nẵng hiện không còn nhiều dư địa về đất đai, do đó để có thêm nguồn lực thành phố cần cơ cấu lại kinh tế và mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị, ứng dụng công nghệ cao.
Sáng 24/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cùng các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, theo báo Đà Nẵng.
Tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy cho biết, hiện nay, các dư địa, nguồn lực cũng như các động lực cho sự phát triển thành phố có những hạn chế, cần có những động lực mới, định hướng mới.
Chính vì vậy, Bộ Chính trị thống nhất ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, trong đó cho phép thành phố Đà Nẵng chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị.