Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 có chiều dài hơn 188km, tổng vốn đầu tư gần 44.700 tỉ đồng khi hoàn thành sẽ là tuyến cao tốc trục ngang, có ý nghĩa quan trọng với mạng lưới giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ tại buổi khảo sát tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (Ảnh CTTĐT Bộ GTVT)
Ngày 12/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có chuyến khảo sát thực tế công trường thi công dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc–Cần Thơ–Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 44.700 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài hơn 188 km, với 4 dự án thành phần đi qua 4 tỉnh.
Dự án Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc TP. Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng).
Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2 km; dự án thành phần 2 tại TP. Cần Thơ dài 37,2 km; dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37 km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9 km.
Tuyến cao tốc được khởi công toàn tuyến vào tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành toàn tuyến và đưa vào sử dụng trong năm 2027.
Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là 1 trong 3 cao tốc trục ngang của Đồng bằng sông Cửu Long (cùng với Mỹ An-Cao Lãnh, Cao Lãnh–An Hữu).
Dự án sẽ góp phần kết nối hoàn chỉnh hệ thống cao tốc trục ngang-trục dọc trong khu vực, mở ra không gian phát triển mới, kết nối các trung tâm kinh tế, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hoá, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, giảm chi phí logistics.
Đặc biệt, tuyến cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ nối với đường dẫn vào cảng Trần Đề (Sóc Trăng).
Trần Đề được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỉ đồng.
Theo báo cáo, dự án Châu Đốc–Cần Thơ–Sóc Trăng đang gặp khó khăn về nguyên vật liệu san lấp. Trong đó, với dự án thành phần 2 qua Cần Thơ, nhu cầu nguồn cát san lấp khoảng 7 triệu m3; đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành (đạt 99,8%), nhưng các nhà thầu chỉ mới tập trung thi công những hạng mục phần cầu, riêng phần đường từ giữa tháng 4 mới có nguồn vật liệu cát san lấp (tỉnh An Giang vừa bàn giao mỏ cát trên sông Tiền với tổng trữ lượng khoảng 3,28 triệu m3).
Cần Thơ đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn, liên hệ các tỉnh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long tìm thêm nguồn cát cho dự án.
Liên quan nguồn nguyên vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng phối hợp chặt chẽ, hoàn thành thủ tục để khai thác các mỏ, trong đó có cát biển.
Thủ tướng đề nghị phải giải quyết các vấn đề về mỏ nguyên vật liệu cho dự án trong tháng 5.
Trước đó, Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp, làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và Chủ tịch UBND một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long để xử lý dứt điểm các vướng mắc, thủ tục liên quan đến mỏ vật liệu trong tháng 5 này.