Mức lương có thể đạt đến 100 triệu đồng/tháng
Tiến sĩ Lê Quốc Cường, Phó trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết vai trò quan trọng của vi mạch bán dẫn hiện nay được xem là nền tảng của tính toán hiện đại; sự bùng nổ của hàng loạt công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)… đang thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và dài hạn của ngành công nghiệp bán dẫn. Trong chuỗi giá trị của ngành, công đoạn thiết kế mang lại giá trị gia tăng cao và có doanh thu lớn nhất. Công đoạn lắp ráp, đóng gói chiếm giá trị thấp hơn. Do đó, VN đang định hướng trong ngắn hạn tập trung phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn ở hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm định.
Kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn làm việc tại Khu công nghệ cao TP.HCM
Tuy nhiên, ông Cường cho biết hiện tại VN đang phụ thuộc 100% nguồn cung vi mạch bán dẫn từ nước ngoài, đồng thời một số công ty trong nước chỉ tham gia công đoạn thiết kế vi mạch. Các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp ráp, kiểm định. Bên cạnh đó, VN cũng không thể trông chờ việc nâng cao năng lực công nghệ sản xuất và thiết kế vi mạch trong nước thông qua việc thu hút các doanh nghiệp FDI.
Theo ông Cường, thách thức lớn nhất ở VN hiện nay là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình sản xuất vi mạch bán dẫn toàn cầu. Ông Cường cho biết theo thông tin từ Bộ TT-TT, ngành công nghiệp bán dẫn của VN cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn lấy nhân lực là yếu tố quyết định cũng chính là một trong những quan điểm phát triển mà Chính phủ đang đề ra, với mục tiêu đến năm 2030, VN có 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Đây là yếu tố tiên quyết để hướng tới việc làm chủ công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn.
Ông Nguyễn Phúc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Công nghệ vi mạch TP.HCM, cho biết đây là ngành nghề được quan tâm và đầy hứa hẹn trong tương lai, bởi nhu cầu phát triển của thế giới và sự quan tâm từ nhiều doanh nghiệp nước ngoài đều dồn vào ngành này. Theo khảo sát của hiệp hội, mỗi năm có hàng ngàn vị trí tuyển dụng chờ người lao động. Trong đó, riêng vị trí thiết kế vi mạch ở TP.HCM cần hơn 600, Đà Nẵng là 200 còn Hà Nội là 250 kỹ sư. Bên cạnh đó, còn có những doanh nghiệp không đăng tuyển trên các kênh tuyển dụng chính thức chiếm khoảng 20% lượng nhân sự. Chưa kể, hiện nay, các tập đoàn lớn của nước ngoài cũng đang cần hơn 2.000 chỉ tiêu mỗi năm cho các vị trí sản xuất, đóng gói vi mạch ở TP.HCM.
Về mức lương, ông Vinh khẳng định không thua gì so với lĩnh vực công nghệ thông tin về phần mềm. Tuy nhiên, sau 3 – 5 năm kinh nghiệm mức lương của một nhân sự sẽ vượt trội hơn. Đặc biệt, với 10 năm kinh nghiệm làm việc thì mức lương sẽ gấp đôi so với công việc về phần mềm. Từ những số liệu nêu ra, ông Vinh cho đây là cơ hội việc làm rất lớn cho người trẻ trong tương lai.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Nguyên Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Quest Global, cho biết từ sự phát triển mạnh mẽ của ngành thì mỗi năm công ty đều tăng khoảng 30% số lượng tuyển dụng nhân sự. Công ty Quest Global có 170 kỹ sư nhưng kế hoạch đến năm 2025 sẽ tăng gấp đôi nhân sự so với hiện nay, thậm chí có thể sẽ tăng nhiều hơn nếu có thêm đơn hàng.
Ông Thắng cho biết: “Khi công ty cần tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, chuyên sâu trong lĩnh vực này thì tìm không ra. Mức lương với một kỹ sư mới ra trường dao động từ 10 – 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nếu một nhân sự có kinh nghiệm thì mức lương sẽ tăng rất cao, vài chục hoặc thậm chí 100 triệu đồng/tháng”.
Ông Nguyễn Thế Hiển, Giám đốc Công ty DreamBig Semiconductor Vietnam, cho biết công ty cũng đang rất cần nhiều nhân lực chất lượng cao từ thiết kế đến kỹ sư vi mạch. Trong kế hoạch nhân sự hiện tại và các năm tới chắc chắn sẽ tăng mạnh, nên cần rất nhiều sinh viên mới ra trường. Từ 350 kỹ sư hiện nay, sắp tới công ty sẽ tuyển thêm 60 – 100 nhân sự chất lượng cao, làm việc trong các khâu quan trọng để tạo ra sản phẩm vi mạch.
Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đang rất cần nhân lực
Điều kiện nào để được làm việc trong ngành này ?
Ông Nguyễn Thế Hiển cho rằng ngoài yếu tố chuyên môn thì người trẻ phải có kỹ năng tiếng Anh.
“Nếu không có tiếng Anh coi như người trẻ không còn cơ hội nghề nghiệp trong ngành. Bởi tất cả tài liệu, máy móc, giao tiếp, đồ án đều phải sử dụng tiếng Anh, cho nên bạn trẻ cần phải học, trau dồi ngôn ngữ này liên tục”, ông Hiển chia sẻ và nói thêm để đi được lâu dài, cạnh tranh trong ngành thì những người trẻ phải khẳng định bản thân bằng kiến thức, kỹ năng, nhất là phải làm được tất cả các khâu liên quan đến vi mạch bán dẫn.
Còn ông Nguyễn Phúc Vinh cho rằng đặc thù của ngành vi mạch bán dẫn là vẫn chưa có nơi đào tạo chuyên sâu, cho nên hầu hết doanh nghiệp phải mất từ 3 – 6 tháng đào tạo lại nhân sự sau khi tuyển dụng.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Nguyên Thắng cho rằng điều kiện để được tuyển dụng là các bạn trẻ phải có kiến thức nền vững chắc từ các ngành như: điện, điện tử, viễn thông… từ đó sẽ được doanh nghiệp cập nhật kiến thức, góc nhìn mới về vi mạch bán dẫn, sau đó xem xét mỗi nhân sự sẽ phù hợp với vị trí nào. Vì vậy, tiêu chí để được tuyển dụng ở công ty là ứng viên phải thật sự hiểu rõ tính chất công việc, có kiến thức nền vững chắc. “Đó chính là chìa khóa đầu tiên để bạn trẻ tiếp cận và làm việc được trong ngành này”, ông Thắng nhấn mạnh.