Trong thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ vi mạch ngày càng đóng vai trò quan trọng, là mũi nhọn của ngành công nghiệp điện tử và viễn thông. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch là ưu tiên hàng đầu của nhiều trường đại học.
Tại Trường ĐH Công nghệ Thông tin (UIT) – ĐHQG TP.HCM, ngành thiết kế vi mạch được cải tiến từ ngành Kỹ thuật máy tính và không ngừng được cải tiến để phù hợp với nhu cầu thị trường.
Trong năm 2024, nhà trường sẽ tuyển khoảng 150 chỉ tiêu cho ngành học này
“Chuyên ngành thiết kế vi mạch trước đây cũng như ngành Thiết kế vi mạch bây giờ mà khoa Kỹ thuật máy tính sẽ đào tạo có những điểm khác biệt so với các trường khác. Đó là chúng tôi tập trung vào việc đào tạo các kỹ sư thiết kế hệ thống system on a chip (hệ thống vi mạch trên chip), sinh viên có tư duy thiết kế được các hệ thống hardware (phần cứng) và software (phần mềm) của design (thiết kế) và có thể đưa được các thuật toán lên trên vi mạch để sau này các bạn sinh viên có thể tham gia vào quy trình thiết kế chip theo xu hướng mới – xu hướng system on a chip hay còn gọi là hệ thống trên chip” – Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, chia sẻ.
Từ năm 2024, sinh viên ngành Thiết kế vi mạch của UIT được thực tập từ 4-6 tháng tại doanh nghiệp và trực tiếp tham gia vào các dự án tại đây
Từ năm 2024, sinh viên học ngành Thiết kế vi mạch tại UIT sẽ được tiếp cận với mô hình thực tập chuyên sâu, bao gồm thực tập và khóa luận tốt nghiệp.