Đó là đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến góp ý Hồ sơ Luật Việc làm sửa đổi.
Mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên ít nhất 75%
Lý giải về đề xuất trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thực tế đa số các doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp.
Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên ít nhất 75% là phù hợp. Hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Đề xuất này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, có nhiều người thuộc đối tượng “người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” bị thất nghiệp, nhưng lại không được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian chưa có việc làm, khiến đời sống khó khăn.
Người dân làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh: Mạnh Dũng).
Hiện, có nhiều người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng đến khi nghỉ hưu vẫn không thất nghiệp lần nào. Vì vậy, họ sẽ không được hưởng quyền lợi từ phần đóng bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, người lao động sẽ thiệt thòi.
“Thậm chí, nhiều người lao động đã xin nghỉ việc trước một năm trước khi nghỉ hưu để hưởng được 12 tháng trợ cấp thất nghiệp cho bớt thiệt rồi mới làm thủ tục hưởng lương hưu”, báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu.
Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị đối với những người đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng đến khi nghỉ hưu mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào thì được hưởng 50% số tiền đã đóng vào Quỹ này.
Đơn vị này cũng đề nghị xem xét bổ sung quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ tháng 145 trở đi, có thể cứ tham gia thêm đủ 12 tháng thì được hỗ trợ thêm 0,1 tháng trợ cấp thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi tham gia cho người lao động.
Mức này xấp xỉ bằng số tiền người lao động tham gia, nhưng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ có thêm 1% hỗ trợ của Nhà nước và 1% người sử dụng lao động đóng.
Đề xuất không quy định thời gian hưởng tối đa
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị xem xét sửa đổi quy định về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng không quy định thời gian hưởng tối đa và chỉ quy định thời gian hưởng tương ứng với thời gian đóng.
Việc không quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ tạo điều kiện cho người lao động có thời gian dài đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ kinh phí duy trì việc làm chủ động, sản xuất kinh doanh,… trong thời gian tương ứng với thời gian đóng chứ không chỉ là 12 tháng tối đa.
Đề xuất tăng mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh minh họa: Quốc Triều).
Việc giới hạn thời gian hưởng tối đa là 12 tháng sẽ dẫn đến hệ quả người lao động sau khi làm việc đủ 12 năm sẽ nghỉ việc để được hưởng tối đa 12 tháng thất nghiệp. Thậm chí, nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần khi đã tham gia bảo hiểm xã hội từ sớm.
Bên cạnh đó, Điều 103 của dự thảo quy định thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm thì không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ khiến người lao động không mặn mà với chính sách này.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tâm lý chung của người lao động là không nhìn thấy quyền lợi thì họ sẽ không tiếp tục tham gia và sẽ lựa chọn hình thức bảo hiểm khác.
Để thay đổi được tư duy của người lao động về ý nghĩa thực sự của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là quá trình dài trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
“Nhưng trước mắt, quy định như dự thảo chưa phù hợp với số đông người lao động và bối cảnh kinh tế, việc làm gặp nhiều biến động như hiện nay. Do vậy, đề nghị quy định thời gian trợ cấp thất nghiệp tương ứng với thời gian đóng”, báo cáo nêu.