Chiếm thị phần lớn với tôn mạ và ống thép dường như chưa đủ, Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đang liên tục rót thêm tiền để quay lại giấc mơ bất động sản dang dở nhiều năm trước.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn điều lệ cho CTCP Hoa Sen Yên Bái.
Cụ thể, Hoa Sen góp thêm 200 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ Hoa Sen Yên Bái từ 421 tỷ đồng lên 621 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành tăng vốn là ngày 7/5/2024.
Hình thức tăng vốn là phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu để huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án.
Sau tăng vốn, Tập đoàn Hoa Sen sẽ sở hữu hơn 97,26% vốn điều lệ công ty con này và các cổ đông khác sở hữu 2,74% vốn còn lại.
Được biết, Công ty Hoa Sen Yên Bái được thành lập từ tháng 5/2016, địa chỉ tại tổ 11, phường Đồng Tâm, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Đây là chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái.
Dự án này được triển khai từ năm 2016 trên khu đất có diện tích 1,5 ha, ngay vòng xoay ngã tư – chốt giao nhau của ba tuyến đường chính: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Cừ và Ngô Gia Tự thuộc Phường Đồng Tâm, TP Yên Bái. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.200 tỷ đồng.
Ban đầu, dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018. Cập nhật tiến độ triển khai trong năm tài chính 2020, chủ đầu tư cho biết khối trung tâm thương mại đã hoàn thiện xây dựng phần thô, còn khu vực Nhà phố thương mại vẫn đang hoàn thiện thiết kế, quy hoạch phân lô.
Trước đó, vào tháng 2/2023, Tập đoàn Hoa Sen góp thêm 81 tỷ đồng vào CTCP Hoa Sen Yên Bái để nâng vốn điều lệ từ 340 tỷ đồng lên 421 tỷ đồng.
Tính tới thời điểm ngày 31/3/2024, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án Khách sạn Yên Bái là 393 tỷ đồng, tăng thêm 7,3 tỷ đồng so với đầu năm.
Mới đây, nhà sản xuất tôn mạ này cũng đã thông qua việc góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. 60% vốn còn lại đến từ các các cổ đông sáng lập khác.
Doanh nghiệp mới này sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm các bất động sản có giá trị 1.000 – 3.000 tỷ đồng để phát triển các dự án văn phòng – trung tâm thương mại – nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Tập đoàn Hoa Sen, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, Hoa Sen cũng xác định bất động sản là một trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp tập trung mở rộng trong 5 năm nay tới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng sẽ xem xét mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực tài chính, ngân hàng; chứng khoán; bảo hiểm; cơ khí (chính xác và chế tạo); công nghệ bán dẫn; giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe… Tổng mức đầu tư tối đa cho các ngành nghề mở rộng không quá 5.000 tỷ đồng.
Niên độ tài chính 2023-2024 (từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024), doanh nghiệp này đưa ra kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản.
Kịch bản 1, Hoa Sen ước tính doanh thu đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, nếu sản lượng tiêu thụ tăng 13% lên 1,625 triệu tấn. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 400 tỷ đồng, tăng hơn 12 lần so với kết quả thực hiện trong niên độ 2022 – 2023.
Kịch bản 2, trong trường hợp tổng sản lượng tiêu thụ tăng 21% lên 1,73 triệu tấn, doanh thu ước tính của nhà sản xuất tôn mạ này là 36.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế theo đó có thể đạt 500 tỷ đồng, tăng gần 16 lần.