Nguyễn Thị Luyến (18 tuổi, quê Quảng Ninh) gần đây thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi chia sẻ những video nhặt đồ cũ từ bãi rác tại Hàn Quốc. Trong đoạn clip, nữ du học sinh tỏ ra vui vẻ khi thu hoạch được khá nhiều “chiến lợi phẩm” như bát đĩa, kệ gỗ…
Hành động của cô gái trẻ nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú trước sự tiết kiệm thông minh của nữ du học sinh.
Luyến tình cờ khám phá ra “kho báu” ngoài bãi rác gần nơi cô ở (Clip: NVCC).
“Ai qua Hàn rồi cũng trải nghiệm thế này. Mình nhặt được đệm, khung treo đồ, bàn ghế. Mấy anh đi cùng nhặt được loa, nồi cơm, quạt”, tài khoản Xuân Tín chia sẻ.
Cũng là người từng ở Hàn Quốc, tài khoản Nguyễn Xuân Bắc khoe: “Mình đang định mua máy hút bụi thì hàng xóm chuyển nhà, vứt dưới bãi rác. Thế là đỡ được mấy man”.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Luyến cho biết, ngày đầu tiên dọn về nơi ở mới cô tình cờ “khám phá” ra bãi rác gần nhà có rất nhiều món đồ bị bỏ đi vẫn còn sử dụng được. Sau khi xin phép người dân xung quanh, cô quyết định mang những món đồ này về dùng.
“Ở đó có nhiều món đồ như bát đĩa, kệ gỗ, thậm chí cả đồ trang trí nhà cửa vẫn còn giá trị sử dụng. Sau khi hỏi người dân xung quanh, tôi quyết định mang về và tận dụng chúng”, Luyến chia sẻ.
Du học sinh nhặt nhạnh những món đồ cũ ngoài “bãi rác” ở Hàn Quốc (Ảnh: NVCC).
Theo lời cô gái trẻ, việc vứt bỏ đồ đạc còn sử dụng tốt là điều khá phổ biến tại Hàn Quốc. Khi mua sắm đồ mới hoặc chuyển nhà, người dân thường mang những món đồ cũ ra để tại các bãi rác của khu dân cư.
Ban đầu, Luyến cảm thấy khá e dè khi nhặt đồ bỏ đi của người khác. Tuy nhiên, cô nhận ra đây là cách tiết kiệm hiệu quả và trải nghiệm thú vị khi sống xa nhà.
“Nhiều người xem clip bảo ‘sao phải khổ thế’ nhưng tôi nghĩ việc đó đâu có gì là xấu. Đối với tôi, đó là một trải nghiệm rất vui và đáng nhớ của du học sinh sống xa nhà”, Luyến tâm sự.
Cô gái quê Quảng Ninh chia sẻ thêm, tổng chi phí cho hành trình du học Hàn Quốc của cô lên đến gần 300 triệu đồng. Trong đó, tiền học phí hết 95 triệu đồng, 74 triệu đồng cho trung tâm.
Luyến bê “chiến lợi phẩm” là thùng bát đĩa về nhà (Ảnh: NVCC).
Ngoài ra, Luyến còn phải đóng 155 triệu đồng vào sổ đóng băng K-study. Đây là quy định bắt buộc của một số trường đại học tại Hàn Quốc nhằm đảm bảo khả năng tài chính của du học sinh. Sổ đóng băng này chỉ được rút sau khi Luyến sang Hàn Quốc, mỗi lần rút tối đa 5.000 USD và chỉ được rút 1 lần trong 6 tháng.
May mắn cho Luyến, bố mẹ cô đang làm việc tại Hàn Quốc nên chi phí du học của cô không quá nặng nề. Tuy vậy, cô gái trẻ vẫn xác định kiếm việc làm thêm để chủ động tài chính và giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
“Có bố mẹ hỗ trợ nên tôi chỉ phải vay mượn thêm một khoản nhỏ để sang đây du học. Nhờ vậy, tôi không bị áp lực chuyện tiền bạc. Mục tiêu của tôi là nỗ lực từng ngày để sau này xin được visa định cư lâu dài tại Hàn Quốc”, Luyến chia sẻ.