Lao động muốn làm ở các xưởng gia công, không đóng bảo hiểm xã hội để chờ nhận trợ cấp một lần khiến các nhà máy tuân thủ đúng luật mất người, theo lãnh đạo doanh nghiệp TP HCM.
“Các nhà máy đang thiếu lao động nhưng công nhân chỉ muốn làm thời vụ, né bảo hiểm. Doanh nghiệp làm đúng luật thì họ không vào”, bà Phùng Thị Minh Nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), nói tại chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp do Liên đoàn lao động TP HCM tổ chức, ngày 10/5.
Bà Phùng Thị Minh Nghĩa, Phó tổng giám đốc Biti’s. Ảnh: Lê Tuyết
Theo bà Nghĩa, các nhà máy sản xuất ở TP HCM đang thiếu lao động. Để ứng phó, Bình Tiên luôn nỗ lực cải tiến, đưa máy móc thiết bị vào nhiều khâu để giảm bớt sức người. Tuy nhiên, nhà máy luôn thiếu 5-7% nhân lực.
Lãnh đạo Biti’s cho rằng có hai nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp ở thành phố thiếu lao động.
Nguyên nhân đầu tiên là những công nhân bỏ về quê sau đợt dịch, kinh tế khó khăn. Nhóm này trở về địa phương làm ở các xưởng gia công nhỏ lẻ, chủ trả luôn các khoản đóng bảo hiểm xã hội vào lương.
Lý do tiếp theo là những lao động 30-35 tuổi đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 10 năm và giờ muốn nhận trợ cấp một lần.
Theo bà Nghĩa, những công nhân này có độ chín về nghề nhưng dễ rời đi. Trong thời gian chờ đủ năm để nhận trợ cấp một lần, họ sẽ nhận trợ cấp thất nghiệp và tìm những công ty ký hợp đồng thời vụ “né” bảo hiểm xã hội để làm việc.
“Thực tế hiện nay là các doanh nghiệp tuân thủ đúng luật thì mất lao động, khó tuyển được người”, bà Nghĩa nói.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Samho Việt Nam, nói rằng doanh nghiệp đang thiếu hơn 1.500 lao động nhưng tuyển người rất khó.
Theo ông An, công nhân né bảo hiểm nên muốn vào các xưởng sản xuất nhỏ, không ký hợp đồng, nhận lương ngày. Do đó doanh nghiệp tuân thủ đúng luật thì bị lao động chê vì theo quy định sau thời gian thử việc, công ty phải ký hợp đồng chính thức, đóng bảo hiểm xã hội.
“Ít nhất trong một năm đầu sau nghỉ việc, công nhân sẽ không muốn vào chính thức”, ông An nói. Trong suốt thời gian này họ vừa nhận trợ cấp thất nghiệp, vừa làm thời vụ để không phát sinh đóng bảo hiểm, đảm bảo điều kiện nhận trợ cấp một lần. Nhiều công nhân có tay nghề, nhân sự gọi điện trực tiếp mời đến thương lượng mức lương cao nhưng họ vẫn từ chối.
Người dân chờ rút bảo hiểm xã hội một lần tại TP HCM, tháng 4/2023. Ảnh: Đình Văn
“Bất cập này một phần do cách thức thực thi pháp luật mang lại”, đại diện Công đoàn Samho Việt Nam nói. Doanh nghiệp xuất khẩu bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của nhãn hàng, tuân thủ pháp luật, chậm đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị nhắc nhở ngay. Trong khi các xưởng gia công nhỏ lẽ, tổ hợp gia đình… không đăng ký lao động, không tham gia bảo hiểm lại “lọt sổ”.
Ông An đề xuất cơ quan quản lý, ngành bảo hiểm cần tăng cường thanh kiểm tra để các bên sử dụng lao động phải tuân thủ pháp luật, tạo sự công bằng trong cạnh tranh nguồn nhân lực.
Ngoài ra các doanh nghiệp đề nghị thành phố có thêm nhiều chính sách thu hút lao động vào thị trường chính thức. Lãnh đạo Biti’s cho rằng chi phí sinh hoạt ở TP HCM khá cao, thu nhập công nhân 6-8 triệu đồng mỗi tháng sẽ khó trang trải. “Nên có các chương trình khám sức khỏe định kỳ, bán hàng bình ổn, giá hợp lý đến lao động ở các nhà máy để giúp họ giảm chi phí”, bà Nghĩa đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến, đề nghị thành phố có thêm chính sách hỗ trợ lao động ở các công ty tiếp cận gói vay ưu đãi thuê, mua nhà ở xã hội. Người lao động mua được nhà sẽ có động lực gắn bó với công ty bởi cần thu nhập ổn định để chi trả khoản vay.
Lê Tuyết