Như Dân trí đã đưa tin, tập thể công nhân khu vực hoàn thành của công ty TNHH Nobland Việt Nam (đóng tại quận 12, TPHCM) phản ánh việc 112 công nhân ở đây bị công ty tự ý trừ tiền lương tháng 4 với lý do là công ty bị mất hàng.
Để làm rõ pháp lý vụ việc này, phóng viên Dân trí trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TPHCM.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TPHCM (Ảnh: PN).
Khấu trừ lương là trái luật
– Thưa luật sư, việc Ban giám đốc công ty TNHH Nobland quy buộc tập thể người lao động bồi thường cho số hàng bị mất khi chưa xác định được rõ sự việc, lỗi cũng như trách nhiệm cá nhân, công nhân tại đây cũng như dư luận rất băn khoăn?
Việc áp đặt tập thể người lao động phải bồi thường cho hàng bị mất trong khi chưa xác định được lỗi của họ và “cưỡng chế” bồi thường bằng cách trừ lương là 2 hành vi trái pháp luật liên tiếp.
– Cụ thể, hành vi trái luật như ông nói có thể xác định thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Bộ luật Lao động 2019 về khấu trừ tiền lương thì người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 Bộ luật này.
Khoản 1 Điều 129 nêu cụ thể, người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.
Qua nội dung trình bày của tập thể công nhân khu vực hoàn thành công ty TNHH Nobland Việt Nam thì việc mất tài sản được phát hiện, xác định thông qua hoạt động kiểm toán, cũng chưa làm rõ được tình huống, nguyên nhân mất mát. Câu hỏi việc mất hàng là do hao hụt hay do ai chiếm đoạt cũng chưa trả lời được.
Rõ ràng, đến thời điểm này, phía người sử dụng lao động chưa chứng minh được thực tế là có mất tài sản hay không, đối tượng nào thực hiện hành vi?…
Về nguyên tắc, người sử dụng lao động không thể quy trách nhiệm chung cho cả tập thể người lao động khi chưa xác định cụ thể họ có hành vi vi phạm hay không mà khấu trừ tiền lương của họ.
Công nhân có quyền khiếu nại
– Trong trường hợp này, ban giám đốc công ty quyết định trừ lương của tập thể người lao động thì nhóm công nhân này có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, thưa ông?
Căn cứ Điều 131 Bộ luật Lao động và Điều 73 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trong trường hợp này, người lao động có quyền khiếu nại người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực lao động hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo trình tự quy định tại Mục 2 Chương XIV của Bộ luật Lao động.
– Về phía doanh nghiệp, trong trường hợp bị mất hàng như trên, Ban giám đốc công ty nên làm gì để xử lý tình huống thay vì quy buộc tập thể công nhân bồi thường, gây phản ứng từ người lao động?
Trong trường hợp này, công ty cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động 2019 được hướng dẫn tại Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Theo đó, khi phát hiện người lao động có hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì người sử dụng lao động yêu cầu người lao động tường trình bằng văn bản về vụ việc.
Trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 72 Nghị định 145/2020, người sử dụng lao động cần tổ chức họp xử lý bồi thường thiệt hại.
Ít nhất 5 ngày làm việc trước khi họp xử lý bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động thông báo đến các thành phần phải tham dự họp (quy định tại Điều 122 của Bộ luật Lao động), thẩm định viên về giá (nếu có).
Người sử dụng lao động phải bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp.
Nội dung thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại; họ tên người bị xử lý bồi thường thiệt hại và hành vi vi phạm.
Khi tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại, nội dung cuộc họp phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp. Trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.
Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải được ban hành trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại; nêu rõ mức thiệt hại; nguyên nhân thiệt hại; mức bồi thường thiệt hại; thời hạn, hình thức bồi thường thiệt hại và được gửi đến các thành phần phải tham dự họp.
Các trường hợp bồi thường thiệt hại khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
– Xin cảm ơn luật sư!