“Việc nhẹ lương cao” tại nhà
Các đối tượng lừa đảo thường đăng bài tuyển dụng trên những hội nhóm mạng xã hội Facebook với các yêu cầu như: không cần kinh nghiệm, bằng cấp, giới tính, linh hoạt thời gian làm việc, công việc đơn giản, có máy tính, tài khoản ngân hàng để thực hiện công việc, đặc biệt nhấn mạnh vào “việc nhẹ lương cao”. Nhiều người đã rơi vào bẫy của các đối tượng này…
Cảnh giác với các bài đăng tuyển dụng việc làm cho các sàn thương mại điện tử trên mạng xã hội
Với mong muốn tìm công việc làm trong những lúc rảnh rỗi để kiếm tiền trang trải cuộc sống, Nguyễn Thị Yến Vi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã vào hội nhóm tìm việc làm trên Facebook. Yến Vi thấy có bài tuyển dụng cộng tác viên cho trang thương mại điện tử làm việc tại nhà, mức lương khá cao, khi nào có thời gian rảnh thì làm nên nhắn tin ứng tuyển.
Yến Vi cho biết họ gửi nội dung mô tả công việc, đăng ký tài khoản trên trang web để thực hiện công việc. Thay vì tổ chức buổi phỏng vấn trao đổi trực tiếp giữa đơn vị tuyển dụng và ứng viên, Vi chỉ làm vài bước theo hướng dẫn là có thể bắt đầu ngay công việc.
“Công việc của mình là theo dõi và chốt đơn hàng các shop, mỗi đơn hàng thành công được hoa hồng 20.000 đồng, sau 5 nhiệm vụ là họ chuyển vào tài khoản 100.000 đồng. Họ yêu cầu mình phải nộp 800.000 đồng vào tài khoản để đặt cọc, tránh trường hợp mình làm giữa chừng thì xin nghỉ. Sau khi nạp xong thì mình bị chặn tin nhắn, không thể liên lạc nữa. Công việc chưa thấy mà tiền đã mất rồi”, Vi chia sẻ.
Đối tượng đưa ra yêu cầu công việc để dẫn dụ ứng viên
Cũng từng bị lừa đảo tiền khi xin việc trực tuyến, Nguyễn Thành Đạt, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết lướt mạng xã hội thấy mẫu tuyển cộng tác viên cho một sàn thương mại điện tử nên nhắn tin hỏi làm việc. Đạt được một người tự nhận là người của đơn vị tuyển dụng tư vấn cách tạo các đơn hàng ảo trên ứng dụng tăng tương tác, chuyển tiền vào một tài khoản có sẵn, sau đó được nhận lại tiền gốc và hoa hồng khoảng 15 – 20%.
“Sau khi được hướng dẫn và mình đồng ý công việc, họ đưa vào một nhóm chat trên ứng dụng Telegram có nhiều thành viên. Tại đây, họ gửi mình một đường link truy cập vào ứng dụng, tìm đơn theo yêu cầu, rồi bấm chốt đơn, gửi hình ảnh hoàn thành công việc cho trưởng nhóm. Sau khi người này xác nhận, họ chuyển tiền qua tài khoản của mình. Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, mình được chia 10% hoa hồng. Đến ngày làm việc thứ hai, người phụ trách yêu cầu phải chuyển khoản 2 triệu đồng để được nâng cấp độ làm việc và trả hoa hồng cao hơn. Mình vừa chuyển xong thì người phụ trách xóa ra khỏi nhóm và chặn liên lạc”.
Cảnh báo lừa đảo và cách nhận diện
Ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia bảo mật và đào tạo nhận thức an toàn thông tin, thành viên Hiệp hội Thương mại điện tử VN, nhìn nhận cùng với các cơ hội nghề nghiệp mới từ internet, lừa đảo trực tuyến đang nở rộ và tăng trưởng liên tục qua các năm. Tùy vào nền tảng mà kịch bản lừa đảo có sự khác nhau nhưng để nhận diện nhanh một cuộc giao dịch không bình thường, bạn trẻ hãy để ý các dấu hiệu lừa đảo của công việc.
Thứ nhất, bạn nhận được lời mời cộng tác từ những người không quen biết, làm cộng tác viên bán thời gian theo ngành nghề từ đơn giản như: làm nhiệm vụ, đặt hàng, like video… cho tới những công việc cần chuyên môn liên quan: kế toán, thiết kế. Bạn được mời vào các nhóm Zalo hoặc tiếp đó là Telegram hoặc từ Zalo lọc rồi đưa sang Telegram để tiếp xúc với người quản lý, trưởng nhóm và các cá nhân được giao việc như bạn. Thực chất chỉ có mình bạn là nạn nhân, các tài khoản kia đều do bên lừa đảo tự đạo diễn.
Thứ hai, bạn được giao nhiệm vụ, thường sẽ khác với công việc ban đầu, dẫn dụ bạn chuyển tiền với mốc thời gian phải hoàn thành ngay, ví dụ mua hàng của đơn vị liên kết để được hưởng hoa hồng. Bắt đầu xuất hiện ép buộc từ trưởng nhóm và các thành viên khác ngay từ thời điểm này. Tài khoản nhận tiền sử dụng giấy tờ thật được mua trên mạng và bên giao việc từ chối gặp mặt trực tiếp.
Thứ ba, công việc của bạn có độ khó tăng dần kèm theo trục trặc phát sinh gây khó nhận được tiền hoa hồng, buộc nạn nhân phải tiếp tục chuyển tiền đến lúc không thể hoặc tự bỏ cuộc khi nhận ra bị lừa. Bước cuối cùng là các liên hệ trên Zalo, Telegram bị chặn, các nội dung trao đổi bị xóa 2 chiều.
“Các công ty lớn đều có website với thông tin liên hệ: địa chỉ, số điện thoại, đường link rất rõ ràng. Hãy quan sát chi tiết các thông tin được giới thiệu trên bài viết tìm cộng tác viên để tìm ra dấu hiệu bất thường. Đừng ngần ngại gọi tới số công ty xác minh số điện thoại và cơ hội công việc. Nếu thực sự bạn muốn nhận công việc đó đừng quên kiểm chứng theo các bước trên và nếu bị từ chối gặp trực tiếp thì đó là dấu hiệu đáng ngờ”, chuyên gia Ngô Việt Khôi chia sẻ.
Mạng xã hội tràn ngập hội nhóm lừa đảo tìm kiếm việc làm thương mại điện tử
Trước thực trạng các đối tượng mạo danh Shopee để lừa đảo, đại diện truyền thông của Shopee cho biết: “Tất cả thông tin tuyển dụng chỉ được đăng tải ở website/tài khoản chính thức Facebook, LinkedIn của Shopee và các trang tin tuyển dụng uy tín. Người dùng không thực hiện bất kỳ giao dịch hoặc cung cấp thông tin nào bên ngoài ứng dụng và các website/trang thông tin chính thức của Shopee khi nhận thấy hoạt động đáng ngờ”.
Ngày 5.3.2024, Tiki phát đi thông báo thời gian gần đây, xuất hiện một số tổ chức, cá nhân đã mạo danh Tiki để mời người dùng đăng ký làm cộng tác viên/bán hàng/làm việc… cùng Tiki với mức thu nhập hấp dẫn. Các đối tượng lừa đảo này sẽ tiếp cận quý khách thông qua các kênh liên hệ như: tin nhắn được gửi từ tên “Tiki” hoặc từ tên, số điện thoại, email bất kỳ, cuộc gọi, email, các nhóm chat, trang mạng xã hội.
Quý khách vui lòng bỏ qua và không làm theo hướng dẫn của tin nhắn, cuộc gọi… để tiến hành giao dịch và cung cấp thông tin cá nhân/thông tin bất kỳ của quý khách đến kẻ gian bên ngoài ứng dụng, website chính thức của Tiki. Tiki khẳng định tất cả các thông tin tuyển dụng của Tiki chỉ được đăng tải trên trang thông tin việc làm Tiki là trang tuyển dụng, tài khoản mạng xã hội chính thức Tiki là Facebook. (còn tiếp)