Tỉnh Bình Thuận có hai khu vực sẽ không được phép phân lô bán nền theo quy định Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025. Đây đều là các đô thị quy mô nhất của tỉnh và cũng là những nơi có thị trường bất động sản phát triển nhất Bình Thuận hiện nay.
Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, tự phân lô bán nền trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III và thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai.
Đối với các khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Như vậy, tại Bình Thuận có 2 khu vực không được phép phân lô bán nền theo quy định trên gồm thành phố Phan Thiết và Thị xã Lagi. Đây đều là các đô thị quy mô nhất của tỉnh và cũng là những nơi có thị trường bất động sản phát triển nhất Bình Thuận hiện nay.
Phan Thiết và La Gi là hai đô thị lớn nhất của Bình Thuận
Theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Phan Thiết và thị xã La Gi được xác định sẽ là “hạt nhân” trong mạng lưới đô thị của tỉnh Bình Thuận.
Cụ thể, Phan Thiết là đô thị loại II (trong kỳ quy hoạch, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định hiện hành thì nâng cấp thành đô thị loại I sớm hơn so với mục tiêu, định hướng của Quy hoạch tỉnh đã đề ra).
Thành phố Phan Thiết phát triển trên cơ sở mở rộng không gian về phía Bắc trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc và phía Tây trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, bao gồm hình thành khu đô thị sân bay Phan Thiết.
Thành phố Phan Thiết là đô thị trung tâm của Tỉnh, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ; là vùng đô thị động lực, trung tâm giao lưu, kết nối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nguyên.
Trong khi đó, Thị xã La Gi là đô thị loại III trực thuộc tỉnh (trong kỳ quy hoạch, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định hiện hành thì thực hiện nâng cấp thành đô thị loại II theo quy định hiện hành).
Một góc thị xã La Gi hiện nay
Thị xã La Gi là đô thị ven biển, cửa ngõ kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Nằm cách TP.HCM 150km về phía đông bắc và cách thành phố Vũng Tàu 90 km về phía đông bắc, thị xã La Gi có diện tích 185,4 km² được chia thành 5 phường và 4 xã.
Tính đến năm 2023, La Gi có quy mô diện tích đô thị là 18.538,25 ha, dân số hiện trạng là 109.120 người; trong đó dân số khu vực nội thị là 66.218 người, nông thôn 42.902 người.
Thị xã La Gi được xác định là đô thị động lực của Tỉnh, trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật, công nghiệp tập trung, khai thác, chế biến hải sản thuộc tiểu vùng phía Nam tỉnh Bình Thuận; trung tâm du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa, lịch sử cấp vùng.
Năm 2018, thị xã được công nhận là đô thị loại III và dự kiến trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 thị xã La Gi sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh. Hiện tại Bình Thuận đang tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị, nâng cao khả năng kết nối vùng của thị xã La Gi.
Bình Thuận là địa phương nằm khu vực duyên hải Nam trung Bộ với diện tích tự nhiên 7.943,93 km2, dân số khoảng gần 1,3 triệu người.
Bình Thuận tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng về phía Bắc, giáp Ninh Thuận về phía Đông Bắc, giáp Đồng Nai về phía Tây, giáp Bà Rịa – Vũng Tàu phía Tây Nam và giáp biển Đông về phía Đông và Nam.
Những năm gần đây, Bình Thuận là địa phương giàu tiềm năng thu hút đầu tư nhờ mạng lưới giao thông đồng bộ từ quốc lộ 1A, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo, sân bay Phan Thiết đang xây dựng…
Đặc biệt, Bình Thuận có thế mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng khi có đường bờ biển kéo dài với hàng loạt bãi tắm nổi tiếng.
Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, đến năm 2030, Bình Thuận sẽ là trung tâm nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế.
Hiện nay, dọc các khu vực ven biển của Bình Thuận như Mũi Né, Phan Thiết, Kê Gà, La Gi… đã và đang mọc lên hàng loạt dự án Bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn.
Bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng, Bình Thuận còn có lợi thế về phát triển khu công nghiệp, năng lượng điện gió, ngành đánh bắt, chế biến thủy hải sản, nông nghiệp…