Ngành điện tử công nghiệp là gì?
Ngành điện tử công nghiệp hoặc công nghiệp điện tử là lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất các thiết bị điện tử và hệ thống liên quan đến sản xuất, điều khiển trong môi trường công nghiệp. Nó bao gồm các sản phẩm như mạch điện tử, bộ điều khiển tự động, cảm biến, nhiều thiết bị điện tử khác sử dụng trong quá trình sản xuất, vận hành của các nhà máy, nhà xưởng và hệ thống tự động hóa công nghiệp.
Điện tử công nghiệp là ngành học về quá trình thiết kế, xử lý và lắp đặt các mạch – Ảnh: Freepik
Học ngành điện tử công nghiệp ra trường làm gì?
Sau khi học ngành điện tử công nghiệp, bạn sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau đây là một số công việc mà bạn có thể làm sau khi ra trường:
- Kỹ sư điện tử công nghiệp: Làm việc trong thiết kế, phát triển, sản xuất các sản phẩm và hệ thống điện tử cho ngành công nghiệp. Điều này có thể bao gồm việc làm việc với mạch điện tử, bộ điều khiển tự động, và cảm biến.
- Kỹ sư tự động hóa: Tạo ra các hệ thống tự động hóa để kiểm soát và tối ưu hóa quá trình sản xuất trong các nhà máy, nhà xưởng.
- Kỹ sư truyền thông và mạng: Làm việc trong lĩnh vực phát triển hệ thống mạng, truyền thông, đảm bảo kết nối, truyền dẫn dữ liệu một cách hiệu quả và an toàn.
- Kỹ sư thiết bị y tế: Thiết kế và phát triển thiết bị y tế điện tử như máy chẩn đoán hình ảnh, thiết bị theo dõi sức khỏe và hệ thống y tế thông minh.
Nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên ngành điện tử công nghiệp – Ảnh: Freepik
Tố chất cần có khi học ngành điện tử công nghiệp
Đam mê về công nghệ
Đam mê về công nghệ và sự tò mò về cách các thiết bị điện tử hoạt động là yếu tố đầu tiên. Bạn cần thích thú với việc tìm hiểu và làm việc với mạch điện tử, bộ điều khiển tự động và các thành phần công nghệ khác.
Kiến thức toàn diện
Ngành điện tử công nghiệp yêu cầu kiến thức rộng về cả lý thuyết và thực hành. Bạn cần hiểu về các khái niệm cơ bản như điện áp, dòng điện và cuộn cảm cũng như có khả năng áp dụng kiến thức này vào thực tế.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Công việc trong ngành này thường đòi hỏi khả năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp. Bạn cần có tư duy logic, khả năng phân tích để xác định và khắc phục sự cố.
Kỹ năng lập trình
Lập trình là một phần quan trọng của ngành điện tử công nghiệp. Hiểu biết về các ngôn ngữ lập trình như C++, Python hay PLC (Programmable Logic Controller) có thể giúp bạn tạo ra và kiểm soát các hệ thống tự động hóa.
Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm
Trong ngành này, bạn thường phải làm việc trong các nhóm dự án và giao tiếp với đồng nghiệp, kỹ sư khác và người quản lý. Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm cũng là một yếu tố quan trọng.
Tư duy sáng tạo
Để thiết kế, phát triển các sản phẩm và hệ thống mới, tư duy sáng tạo là một tố chất không thể thiếu. Đây là khả năng tạo ra giải pháp mới và khác biệt.
Ngành điện tử công nghiệp yêu cầu kiến thức rộng về cả lý thuyết và thực hành – Ảnh: Freepik
Mức lương trong ngành điện tử công nghiệp
Mức lương trong lĩnh vực điện tử công nghiệp thường khá là hấp dẫn, đặc biệt đối với những người có nhiều năm kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu. Theo VietnamSalary – chuyên trang tra cứu lương thưởng trên thị trường lao động cho biết mức lương trung bình cho các kỹ sư điện tử công nghiệp vào năm 2023 là khoản 8.000.000 đến 20.000.000 VNĐ mỗi tháng. Tuy nhiên, mức lương này có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí công việc, địa điểm, quy mô công ty và trình độ kỹ thuật của bạn.
Nếu bạn đang có định hướng theo đuổi ngành điện tử công nghiệp, hãy cố gắng trau dồi kiến thức và kỹ năng của mình để có thể đạt được mức lương mong muốn trong tương lai.
Một số câu hỏi thường gặp khi chọn học ngành điện tử công nghiệp
Ngành điện tử công nghiệp học khối nào?
Để được tuyển sinh vào ngành điện tử công nghiệp này, bạn phải tốt nghiệp từ khối tự nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm các môn học như Toán, Vật lý và Hóa học. Những môn học này sẽ cung cấp nền tảng vững chắc để hiểu sâu hơn về các khía cạnh kỹ thuật của ngành.
Các trường đại học uy tín đào tạo ngành điện tử công nghiệp?
Ngành điện tử công nghiệp được đào tạo tại nhiều trường đại học và cao đẳng trên khắp Việt Nam. Dưới đây là một số trường có chương trình đào tạo trong ngành này:
- Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM (HCMUT)
- Trường Đại học Công Nghệ Thông Tin và Truyền Thông (ICTU)
- Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST)
- Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE)
Nếu thật sự yêu thích ngành điện tử công nghiệp thì hãy luôn không ngừng học hỏi và theo đuổi đam mê trong lĩnh vực này. Với sự nỗ lực và cố gắng, bạn hoàn toàn có thể đóng góp vào việc định hình tương lai trong ngành điện tử công nghiệp. CareerViet chúc bạn sẽ luôn thành công trong hành trình phát triển sự nghiệp của mình.