Nhiều đại học Trung Quốc bất ngờ yêu cầu du học sinh thi đầu vào

Nhiều đại học Trung Quốc bất ngờ yêu cầu du học sinh thi đầu vào

Nhiều đại học Trung Quốc yêu cầu du học sinh vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực do Bộ Giáo dục tổ chức vào cuối tháng 5, thay vì chỉ xét hồ sơ như trước.

Thông tin được đăng trên website của nhiều trường, như Đại học Dầu khí Bắc Kinh, Đại học Kinh doanh Kinh tế Quốc tế. Các trung tâm tư vấn du học Trung Quốc tại Việt Nam cũng cho biết đã nhận được nội dung này từ trường đối tác.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tư, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTEDU, Quỹ học bổng chính phủ (CSC) thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, hôm 7/4 thông báo kỳ thi được tổ chức trong tháng 5 và 6, áp dụng với sinh viên quốc tế theo học hệ cử nhân tại 142 trường. Phần lớn trường yêu cầu thí sinh đăng ký thi trước ngày 8/5.

Ông Nguyễn Duy Việt, Giám đốc Công ty TNHH Du học Hoa Ngữ ở Hà Nội, nói đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức thi đầu vào quy mô toàn quốc dành cho sinh viên quốc tế. Trước đây, chỉ một số trường top như Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh tổ chức thi để sàng lọc ứng viên. Những thí sinh nhập học trước tháng 5/2024 sẽ không phải tham gia kỳ thi.

Cả hai cho hay kỳ thi gồm môn tiếng Trung chuyên ngành (Khoa học xã hội, Kinh tế – Thương mại, Khoa học – Kỹ thuật và Y học) và môn cơ sở (Toán, Vật lý, Hóa học). Tuy nhiên, tùy yêu cầu của mỗi trường, môn thi sẽ khác nhau.

Kỳ thi được tổ chức cả trực tuyến và trực tiếp. Những thí sinh ở nước ngoài được thi trực tuyến tại nhà, vào một trong hai đợt là 25-26/5 và 1-2/6.

Thời gian thi (giờ Hà Nội) các môn như sau:

Môn thi Đợt 1 (25-26/5) Đợt 2 (1-2/6) Tiếng Trung 15-17h 7h30-9h30 Toán 18h-19h30 7h30-9h Vật lý/Hóa học 15-16h30 10h-11h30

Thời gian thi trên máy, trực tiếp tại trường (dành cho sinh viên quốc tế ở Trung Quốc):

Môn thi Đợt 1 (15-16/6) Đợt 2 (22-23/6) Tiếng Trung 8-10h 8-10h Toán 13h-14h30 13h-14h30 Vật lý/Hóa học 8h-9h30 8h-9h30

Các chuyên gia cho rằng mục tiêu kỳ thi là nâng cao chất lượng đầu vào của sinh viên quốc tế. Theo Tiến sĩ Tư, trước đây phần lớn trường xét học bổng dựa trên điểm trung bình học tập (GPA); chứng chỉ tiếng Trung HSK; kế hoạch học tập; hoạt động ngoại khóa và phỏng vấn. Tuy nhiên, GPA hay HSK chỉ cho thấy kết quả học tập ở THPT và khả năng tiếng Trung mà không đánh giá được năng lực chuyên ngành của học sinh.

“Kết quả bài thi sẽ giúp các trường biết chính xác ứng viên có phù hợp với chuyên ngành hay không”, ông giải thích.

Ông Việt và ông Tư nhận định học sinh Việt Nam có thể gặp khó khăn trong đọc hiểu đề bài và chưa quen cách ra đề. Để chuẩn bị, thí sinh nên thu thập đề mẫu ở các trường và làm thử càng nhiều càng tốt.

Trung Quốc hiện có gần 2.700 đại học, khoảng 140 trường được hưởng chính sách đầu tư đặc biệt của chính phủ. Hai đại học hàng đầu của nước này là Thanh Hoa và Bắc Kinh đang áp sát top 10 trên các bảng xếp hạng thế giới. Còn trong top 400, Trung Quốc có hơn 30 trường.

Khoảng ba năm nay, Trung Quốc không công bố số lượng sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đến tháng 9/2022, Việt Nam có hơn 22.000 sinh viên du học nước này.

Mỗi năm, chính phủ Trung Quốc cấp khoảng 80 suất học bổng cho học sinh Việt, gồm học phí, phí ký túc xá và trợ cấp hàng tháng (2.500-3.500 nhân dân tệ, tương đương 8,6-12 triệu đồng). Ngoài ra, du học sinh có thể ứng tuyển học bổng Khổng Tử (CIS), học bổng riêng của địa phương hay các đại học.

Bình Minh