Ngày 5.5, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết trong tháng 4, các thành phần kinh tế giải quyết việc làm cho gần 29.000 lượt người lao động, trong đó tạo ra gần 13.000 chỗ việc làm mới.
Tính chung từ đầu năm đến nay, có gần 110.000 người lao động được giải quyết việc làm, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó số chỗ việc làm mới là 49.799, tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2023.
Về hoạt động dịch vụ việc làm và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tính tổng 4 tháng đầu năm 2024, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM tiếp nhận 41.456 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 5.944 hồ sơ (giảm 12,54% so với cùng kỳ năm 2023 là 47.400 hồ sơ).
Đáng lưu ý, việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công một cửa TP.HCM cũng được cải thiện và khuyến khích tối đa. Có 5.093 hồ sơ tiếp nhận qua các kênh này, chiếm 12,29% tổng số hồ sơ.
Kiểm soát, ngăn chặn tai nạn lao động
Công tác an toàn, vệ sinh lao động cũng được Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tập trung tham mưu. Vấn đề này được người dân quan tâm tới nhiều hơn sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động tại tỉnh Yên Bái khiến 7 công nhân tử vong và gần đây nhất là vụ nổ lò hơi tại tỉnh Đồng Nai khiến 6 người thiệt mạng.
Theo thống kê mà Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cung cấp, năm 2023, thành phố có hơn 220.000 doanh nghiệp và hơn 434.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể với lực lượng lao động trên 4,6 triệu người.
Năm 2023, TP.HCM xảy ra 703 vụ tai nạn lao động (giảm 12,45% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, 44 vụ tai nạn lao động có người chết (giảm 45%), làm 44 người chết (giảm 42,8%) và 98 người bị thương nặng (giảm 39,5%).
Đồng thời, ở khu vực phi chính thức, trong năm 2023 có 13 vụ tai nạn lao động làm 14 người tử vong.
Riêng thống kê từ ngày 1.12.2023 đến ngày 29.3.2024, tại TP.HCM xảy ra 10 vụ tai nạn lao động (làm chết 12 người).
TP.HCM tập trung nhận diện và kiểm soát tai nạn lao động
Theo đánh giá, tai nạn lao động xảy ra chủ yếu tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Qua công điều tra các vụ tai nạn lao động chết người, nhận thấy tình hình tai nạn lao động nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn hoặc không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ phát động tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024. Trong các kế hoạch đề ra, TP.HCM sẽ chủ động kiểm soát và nhận diện, đánh giá các nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động, nhất là trong các công việc có tiềm ẩn rủi ro cao như làm việc trên cao, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế, trong xây dựng, khai khoáng, trong sử dụng điện, thiết bị áp lực, hóa chất, thiết bị nâng, thang máy… Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động.
TP.HCM yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thường xuyên hướng dẫn công tác tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động.