Với một người học lực bình thường, đi xuất khẩu lao động tuy có phần mạo hiểm nhưng đáng để đánh đổi.
Vụ việc tàu Titan thám hiểm xác tàu Titanic rồi bị nghiền nát bởi áp suất khủng khiếp của nước biển là một tin tức nóng hổi trong thời gian qua. Những suy nghĩ và hành động vô cùng mạo hiểm của năm hành khách trên tàu Titan định mệnh mang đến nhiều cảm xúc mãnh liệt cho nhiều người.
Trong năm hành khách của tàu Titan này trừ có một cậu thanh niên mới 19 tuổi, còn lại đều là những tỷ phú, những người cực kỳ tài năng ở tầm thế giới. Với những người này thì không cần nói nhiều với họ về độ nguy hiểm khi lặn để thám hiểm xác tàu Titanic.
Những người này đủ thông minh để hiểu rằng những nguy hiểm rình rập khi làm việc này bởi vậy họ đã ký “những cam kết tử thần” trước khi thực hiện việc thám hiểm. “Đó là điều bình thường trong ngành này. Đây là Bắc Đại Tây Dương và rủi ro đó là một phần của thỏa thuận mà bạn đã ký” – một người từng thực hiện chuyến thám hiểm tương tự đã nói như vậy.
Những người khác từng tham gia các hành trình tương tự cho biết rủi ro của chuyến đi là rõ ràng, nhưng cảm giác hồi hộp, phấn khích khi chạm tới đáy sâu đại dương khiến cuộc thám hiểm trở nên hấp dẫn và xứng đáng để họ đặt cược cả mạng sống của chính mình.
Họ sợ đấy nhưng vượt trên tất cả là họ muốn khám phá những điều bí ẩn lớn lao. Họ muốn được trải nghiệm những cảm xúc mãnh liệt nhất bởi: “Sống là sự trải nghiệm. Con người thường có xu hướng vươn tới những trải nghiệm mới, những trải nghiệm đỉnh cao. Chính điều này góp phần làm cho cuộc sống luôn vận động, phát triển” – có người đã nói như vậy.
Một trong những câu ấn tượng nhất mà tôi từng được đọc trong đời là: “Thành công là gì? Biết là thất bại nhưng vẫn làm: Đó là thành công”. Đây là một câu trong tác phẩm kinh điển Giết con chim nhại.
Câu này ấn tượng với tôi đến mức ám ảnh. Không ấn tượng sao được, không ám ảnh sao được trước những con người mạnh mẽ, dũng cảm; những con người biết là có thể thất bại đấy, thậm chí là có thể bỏ mạng nhưng vẫn kiên định thực thi ý tưởng, công việc của mình.
Họ là những người vô cùng dũng cảm vì biết trước những rủi ro nhưng vẫn thực hiện. Thử hỏi khi biết trước được những nguy hiểm như vậy thì có mấy ai đủ can đảm để hành động, chỉ những người có lòng dũng cảm có đầu óc mạo hiểm lớn lao thì mới dám làm những việc này.
Có thể có rủi ro đấy nhưng nếu thành công sẽ là thành công vượt bậc, thế giới loài người phát triển như vũ bão một phần là nhờ những đầu óc khoáng đạt, mạo hiểm như vậy.
Christopher Columbus và những cộng sự chắc chắn biết những khó khăn, thậm chí là cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nhưng ông và cộng sự vẫn mạo hiểm ra đi vượt qua bao hiểm nguy để rồi năm 1492, Christopher Columbus đi tàu vượt qua Đại Tây Dương, nơi ông tình cờ gặp châu Mỹ và những người sống trên châu lục này, (theo Thư viện Quốc hội Mỹ (LOC).
Ai cũng sợ thất bại thì con người hiện nay sẽ khó có được điện thoại, máy tính… để sử dụng.
Trông người mà lại nghĩ đến ta, nghĩ đến điều mà vị tiền bối lỗi lạc Phan Chu Chinh đã chỉ ra cả trăm năm trước: “Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con”.
Trong nhiều năm trước đây thì điều đáng buồn này là hoàn toàn đúng với đại đa số người dân bởi người dân sợ phải đi khỏi lũy tre làng, sợ một khởi đầu mới… Tuy nhiên hiện nay thì điều này đã có nhiều thay đổi.
Trong những ngày này khi các thí sinh vừa thi xong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trước ngưỡng cửa vào đời của các thí sinh thì dư luận lại nổi lên một tranh cãi chưa có hồi kết: Học xong trung học phổ thông thì đi học tiếp hay đi du học hoặc xuất khẩu lao động?
Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm: Tri thức là vô cùng quan trọng với mỗi quốc gia, tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay thì những học sinh có tư duy tốt mới nên học đại học, còn nếu tư duy bình thường thì nên chọn cách đi du học hoặc xuất khẩu lao động.
Khi đi du học hoặc xuất khẩu lao động thì vừa có tiền lại có thể vừa có kinh nghiệm giúp ích cho cuộc sống sau này. Đi du học hay xuất khẩu lao động thì cũng có rủi ro đấy nhưng tỷ lệ rủi ro cũng không nhiều lắm.
Giờ đây không cần nói nhiều thì khi học xong phổ thông nhiều học sinh chọn đi lao động hoặc đi du học ở nước ngoài thay vì thi đại học.
Mạo hiểm thì lo lắng lắm đấy nhưng để có thể có được một cuộc sống tốt hơn thì việc có rủi ro là điều khó tránh khỏi.
Cuộc sống loài người luôn phát triển chính là nhờ sự vận động không ngừng, nhờ những ý tưởng, hành động đột phá, mạo hiểm.
Bởi vậy, để cuộc sống tốt hơn, để có những trải nghiệm lớn lao giúp cho cuộc sống của tôi và bạn có thể trở nên thú vị hơn thì nếu có thể chúng ta hãy đừng sợ thay đổi, đừng sợ mạo hiểm: “Ngày xưa trên trái đất làm gì có đường, người ta đi mãi nên thành đường thôi” (Lỗ Tấn).
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.