Xã hội cùng thi thố

Xã hội cùng thi thố

Việc này mang đến tín hiệu tích cực trong chọn lựa người có thực lực thay vì bổ nhiệm theo quy trình. Đó cũng là cơ hội thi thố cho người tài có đất dụng võ.

Chuyện thi tuyển chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM là hệ quả của “giọt nước tràn ly” từ các lỗ hổng về năng lực quản lý tồn tại nhiều năm qua. Công tác tổ chức thi tuyển kéo dài gần hai tháng với tỉ lệ chọi 25 chọn 1. Ứng viên đều là giám đốc hoặc phó giám đốc các bệnh viện lớn phần nào cho thấy sự cạnh tranh gay gắt để tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn ngồi vào “ghế nóng”.

Ứng viên đến với cuộc thi ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có kỹ năng giới thiệu các thế mạnh, chứng minh năng lực thực tế của mình qua nhiều vòng thi. Nói như ông Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – khi tham gia sân chơi này đòi hỏi ứng viên phải “học thật, thi thật, làm thật”.

Thật vậy, muốn “làm thật, làm tốt”, ứng viên phải có kinh nghiệm và bản lĩnh giải quyết các vấn đề “nóng” mà ngành y đang đối diện như làn sóng nhân viên nghỉ việc; chồng chéo quy định trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; chậm thanh quyết toán khám chữa bệnh BHYT; tự chủ bệnh viện và mất cân đối thu chi…

Dĩ nhiên, việc thi thố năng lực chỉ là bước khởi đầu. Mọi thành công hay thất bại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và thời gian sẽ có câu trả lời. Nhưng trước mắt, cơ chế thi tuyển chưa có tiền lệ này đã trực tiếp tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, sòng phẳng và giúp chọn đúng người, đúng việc.

Cũng vì lẽ đó, gần đây rất nhiều địa phương đã xây dựng đề án thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp. Tại TP.HCM, sau Sở Y tế, đã có Sở Giáo dục và Đào tạo thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng trường THPT và sắp tới đây UBND TP.HCM sẽ thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng.

Thực tế này cho thấy việc tìm kiếm và trọng dụng người “hiền năng” từ xưa đến nay luôn là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia.

Cách đây 77 năm (20-11-1946), trong bản công bố “tìm người tài đức”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”. Người cho rằng “nhân tài không thiếu”, chỉ có điều Chính phủ “nghe không đến, thấy không khắp” khiến các bậc tài đức không thể xuất thân.

Rõ ràng bất cứ thời kỳ nào, ở bất cứ lĩnh vực nào cũng rất cần cơ chế cho người có năng lực “xuất thân”. Cũng như để “kiến thiết” bất cứ điều gì đều phải cần đến người có năng lực. Việc này cần phải được mở rộng ở mọi lĩnh vực, mọi vị trí và mọi cơ quan đơn vị. Càng nhiều sân chơi mang tính cạnh tranh sẽ càng củng cố thêm niềm tin cho người có năng lực có đất dụng võ.

Và khi trong xã hội ngày càng có nhiều vị trí, nhiều lĩnh vực được tạo cơ chế thi thố, cạnh tranh sòng phẳng, lúc đó ắt sẽ tìm được nhiều người tài giỏi và đất nước vì thế cũng sẽ phát triển…

Thế giới bước qua năm 2023 với nhiều mong ước lẫn quyết tâm vượt “nghịch cảnh” để có được “an khang, thịnh vượng”. Chúng ta cũng thế. Từng địa phương đã và đang nỗ lực vươn lên giàu có và khát vọng đất nước hùng cường, trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 được thực hiện một phần từ những cuộc thi thố để “nhân tài có đất dụng võ” như thế.

HOÀNG LỘC