Người làm công tác xã hội với người khuyết tật phải như đang giúp người thân trong gia đình mới có thể gắn bó và làm tốt – Ảnh: Q.L.
Thực tế này đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vai trò người làm công tác xã hội. Đây cũng là trăn trở tại tọa đàm “Công tác xã hội – chung tay lấp đầy những khiếm khuyết” do Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên (Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam) tổ chức mới đây.
Người khuyết tật rất cần được tư vấn nghề nghiệp vì họ mông lung chưa biết học gì. Nên người làm công tác đào tạo nghề giúp định hướng dựa vào hai yếu tố cốt lõi là trình độ và nhu cầu người học.
Ông VÕ VĂN ANH (Hội thanh niên khuyết tật TP.HCM)
Bà Đoàn Thị Bích Hợp – phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM – nói cái khó đầu tiên là tuyển sinh vì các bạn khuyết tật chậm hơn và thường tuyển được nhờ bạn bè giới thiệu.
Việc vận động lo suất ăn hằng ngày cũng khó, và vướng mắc nhất là giới thiệu việc làm, bán sản phẩm do các bạn làm ra.
Là người khuyết tật, ông Võ Văn Anh – chủ nhiệm Hội thanh niên khuyết tật TP.HCM – nói người khuyết tật luôn phấn đấu vươn lên, không muốn dựa vào sự trợ cấp, nhưng sức khỏe khó phù hợp một số ngành nghề, và có nơi hướng dẫn nghề chưa phù hợp.
Do vậy, ông mong khi dạy nghề cho người khuyết tật cần đào tạo nghề thích hợp bối cảnh hiện tại, chứ không chỉ dạy những gì đang có.
Làm sao để có những nhân viên công tác xã hội say mê nghề nghiệp cũng được đặt ra.
TS Đỗ Thị Nga – phó trưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – bày tỏ phải thật sự say mê và có lòng yêu thương con người mới theo được nghề này.
“Các bạn cần có trí tuệ nội tâm là khả năng hiểu bản thân, hiểu và thông cảm với người khác, nhẫn nại, bao dung, bảo mật thông tin với người mình tiếp cận” – bà Nga chia sẻ.
TS Nga nói các bạn trẻ làm việc này rất thuận lợi, khi có khả năng kêu gọi nguồn lực hiệu quả trên mạng xã hội. Điều cần là nên rèn luyện nội tâm, lắng nghe nhiều hơn, có sự kiên trì, thấu hiểu.
Còn ông Võ Văn Anh nói làm công tác xã hội với người khuyết tật cần sự quan sát vì đôi khi hai người khuyết tật như nhau nhưng tâm lý khác nhau, cần phương pháp áp dụng khác nhau. “Hãy làm nghề như đang giúp người thân trong gia đình vậy” – ông Anh nêu.