Người lao động chưa tự tin
Tốt nghiệp ngành Văn học (Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ) vào năm 2022 nhưng đến nay chị Nguyễn Thùy Trang (1999, Cần Thơ) vẫn chưa tìm được công việc phù hợp dù đã thử sức với 3 ngành nghề. 2 tháng trở lại đây, chị tiếp tục tìm hiểu thêm môi trường làm việc ở nước ngoài với ý định xuất khẩu lao động, song thông qua tin tức trên mạng vẫn chưa giúp chị tự tin.
“Một phần mình phân vân là do trình độ ngoại ngữ của bản thân kém, một phần mình đang thiếu vốn. Do đó, mình mong muốn có sự tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình, được chính sách phù hợp, nhất là tạo điều kiện về lãi suất vay vốn cho người lao động”, chị Thùy Trang chia sẻ.
Người lao động tìm hiểu việc làm ở nước ngoài thông qua thông tin đăng tải trên các trang web. Ảnh: Phong Linh
Bên cạnh nỗi lo về vốn, anh Nhựt Minh (Trà Vinh) cũng băn khoăn về xuất khẩu lao động giữa luồng thông tin doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, cung cấp những thông tin không chính xác nhằm lôi kéo xuất khẩu.
“Các phương tiện truyền thông đăng nhiều về việc người lao động bỏ trốn khi bị bóc lột sức lao động ở nước ngoài. Do đó, dù chỉ là quan điểm cá nhân nhưng mình lo ngại một số công ty môi giới đăng tin không đúng sự thật”, anh Minh nói.
Anh Lê Tùng Phương (Cần Thơ) thì chia sẻ:”Cá nhân tôi lo lắng sau khi xuất khẩu lao động và trở về nước, mình không có định hướng được nghề nghiệp làm hao hụt số tiền tích cóp nên tôi vẫn đang xem xét đi làm việc ở nước ngoài”.
Đề xuất hỗ trợ lãi vay
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Cần Thơ, toàn thành phố có 28 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Cần Thơ đã đưa 224 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Riêng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ có 18 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua chương trình hợp tác. Trung tâm đang phối hợp với 7 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Người lao động Cần Thơ tìm hiểu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ. Ảnh: Bạch Cúc
Bà Trần Thị Xuân Mai – Giám đốc Sở LĐTBXH TP Cần Thơ – nhìn nhận, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố vẫn còn một số vướng mắc do người lao động thiếu trình độ ngoại ngữ, lao động chất lượng cao chưa đáp ứng, đặc biệt là người lao động thiếu vốn do tài sản thế chấp hạn hẹp.
Trong năm 2024, Sở LĐTBXH TP Cần Thơ sẽ chú trọng duy trì và đa dạng hơn các nội dung truyền thông với nhiều hình thức, đặc biệt thường xuyên thông tin nội dung chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Nghị quyết số 11 với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú.
Ngoài ra, sở cũng tăng cường mời gọi lao động tham gia thị trường việc làm ngoài nước và cố gắng tạo điều kiện cho ứng viên được tham gia phỏng vấn tại thành phố Cần Thơ nhằm tiết kiệm chi phí đi lại cho ứng viên cũng như tăng sức hút và lan tỏa rộng đến người lao động về việc tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tại buổi làm việc với ngành LĐTBXH thành phố về các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động của thành phố trong năm 2024 vào ngày 4.4, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận, nguồn nhân lực của TP Cần Thơ đã được đào tạo cơ bản, do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu lao động, ngành lao động cần xem nhu cầu tuyển dụng ở các nhóm đối tượng, sau đó có kế hoạch với cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, một trong những lý do người lao động chưa tiếp cận được nhiều thông tin là do công tác tuyên truyền chưa thật sự đổi mới và có chiều sâu. Vì vậy, thành phố cần có chuỗi ngày hội việc làm hoặc làm gấp sàn giao dịch điện tử trực tuyến để người lao động sớm được tiếp cận thông tin.
“Chúng ta cũng có thể xem xét làm cách nào hỗ trợ luôn lãi vay cho người lao động bằng chính sách xã hội, chỉ để họ trả vốn, tức là không để họ tự bơi mà phải có người đồng hành. Có quyết liệt như vậy thì mới thay đổi căn cốt tình hình xuất khẩu lao động được”, ông Hiếu nhấn mạnh.