Thúc đẩy việc làm và an sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng

Thúc đẩy việc làm và an sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng

11/12/2023 22:52

(PLVN) –  Chiều 11/12, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo quốc tế về Thúc đẩy Việc làm và An sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng nhằm tăng cường trao đổi quan điểm, kết quả nghiên cứu, cũng như tạo diễn đàn chia sẻ về những tác động của quá trình chuyển đổi công bằng đến việc làm và an sinh xã hội.

Chuyển đổi xanh tiềm ẩn tác động tiêu cực

Tại COP26, Việt Nam đã cùng 150 quốc gia cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” năm 2050, cùng hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu, cùng hơn 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow và cùng với khoảng 150 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên, sau Nam Phi và Indonesia, tham gia Tuyên bố Chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP). Từ đó, Việt Nam cũng đã huy động được những cam kết, tài trợ quốc tế để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

Trong 10 nhóm nhiệm vụ của Đề án triển khai Tuyên bố JETP được Chính phủ phê duyệt ngày 31/8/2023 có riêng một nhóm nhiệm vụ về Bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng.

Ông Lưu Quang Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTB&XH. Ảnh: P.V

Ông Lưu Quang Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTB&XH. Ảnh: P.V

Ông Lưu Quang Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTB&XH, cho biết: Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng và những cơ hội mới từ những cam kết ở trên, chúng ta cũng nhận thấy, trong quá trình chuyển đổi có những tác động không công bằng giữa các ngành, các nhóm cộng đồng, đặc biệt những nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương.

Tham dự hội thảo còn có các đại diện, chuyên gia từ nhiều đơn vị trong nước trong nước như Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Điều kiện lao động, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH. Cùng với đó là các đại diện từ các cơ quan, tổ chức quốc tế như Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam; UNICEF, Phái đoàn EU, IMF và các đại sứ quán tại Việt Nam…

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTB&XH, cũng nêu một số tác động cần lưu tâm, đơn cử như dịch chuyển về việc làm, mất việc làm, vấn đề người lao động bị thiếu hụt kĩ năng cho nên không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động mới, sự không phù hợp giữa kĩ năng hiện có của người lao động không phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế xanh…

Đặc biệt, nhóm người nghèo và nhóm thu nhập thấp có thể sẽ chịu tác động lớn hơn bởi cuộc chuyển đổi năng lượng. Khi chuyển đổi năng lượng than sang năng lượng sạch thì giá thành sản phẩm, giá thành năng lượng sẽ cao hơn, nhóm người có thu nhập thấp có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận năng lượng.

Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH, số lượng đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và người có thu nhập thấp ở nước ta hiện có hơn 25% dân số. Trong đó có khoảng 12 triệu người cao tuổi, 7,06 triệu người khuyết tật, 10 triệu người có vấn đề sức khoẻ tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

Cần chuyển đổi bao trùm, công bằng

Trên cơ sở các cam kết quốc tế và nỗ lực thể chế hoá trách nhiệm ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch bảo đảm quá trình chuyển đổi bao trùm, công bằng.

Từ góc nhìn quốc tế, ông Nguyễn Ngọc Triệu, cán bộ chương trình cấp cao, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, cho rằng: Chuyển đổi công bằng là tiến trình và là một mục tiêu để triển khai các hành động biến đổi khí hậu, đảm bảo sự tiến bộ như nhau. Như tạo việc làm, công bằng xã hội và chuyển đổi công bằng cho người lao động, doanh nghiệp và cộng đồng trên cơ sở bình đẳng. Với một tiêu chung nhưng mỗi quốc gia sẽ khác nhau tuỳ vào bối cảnh.

Quá trình chuyển đổi cần cân nhắc tác động đối với nhóm người lao động, người dễ bị tổn thương. (Nguồn: dangcongsan.vn)

Quá trình chuyển đổi cần cân nhắc tác động đối với nhóm người lao động, người dễ bị tổn thương. (Nguồn: dangcongsan.vn)

Ông Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường (ISPONRE), cho rằng: Mục tiêu của quá trình chuyển đổi là giảm phát thải khí nhà kính, mang lại điều tích cực, nhưng để đạt được mục tiêu này thường tạo ra những vấn đề, ảnh hưởng tiêu cực nếu không có những đánh giá đầy đủ và biện pháp giảm thiểu.

Để đảm bảo tính bao trùm trong quá trình chuyển đổi, cần thực hiện đồng thời 4 nhóm giải pháp. Đó là sự cam kết và tham gia chủ động của Nhà nước; đảm bảo nguồn lực, dòng ngân sách; sự tham gia, hợp tác của nhiều bên liên quan; đảm bảo đa dạng sinh kế, hoạt động kinh tế cho các hành động chuyển đổi.

Trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH trong việc thực hiện Đề án JETP là:

– Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy chuyển dịch công bằng đối với các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng;

– Hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo lại, tạo việc làm và các hình thức hỗ trợ khác cho lao động bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi năng lượng;

– Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực.

– Tham gia các Nhóm công tác, bảo đảm quá trình chuyển đổi công bằng, phù hợp với Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, để đảm bảo toàn xã hội có thể hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh nhằm tăng khả năng tiếp cận năng lượng hợp lý và thu hút sự tham gia của các tổ chức và các bên liên quan để giúp đáp ứng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quá trình chuyển đổi.