Anh Trần Văn Tú (bên trái) trình bày sự việc với PV Báo Lao Động. Ảnh: Hà Anh
Gia đình phải gửi tiền sang để lao động về nước
Trao đổi với Báo Lao Động, anh Trần Văn Tú cho biết: “Có nhu cầu đi xuất khẩu lao động để cải thiện kinh tế gia đình, tôi gặp ông Trần Văn Bảy – Giám đốc Công ty Nhật An – thuộc Tập đoàn Nhật An Group (ngõ 18 Nguyễn Cơ Thạch, Hà Nội) và bà Phan Thị Yến – nhân viên Công ty Nhật An.
Hai người giới thiệu với tôi đi xuất khẩu lao động tại New Zealand có thu nhập 100.000.000 đồng/tháng. Tin lời ông Bảy, bà Yến, tôi bàn với gia đình vay mượn để có đủ số tiền 570.000.000 đồng để được đưa đi New Zealand làm nghề chăm sóc ong. Ngày 8.5.2023, tôi trực tiếp nộp tiền cho bà Yến, sau đó làm thủ tục ký hợp đồng xuất khẩu lao động với thời hạn 3 năm, visa do chủ sử dụng lao động tại nước sở tại bảo lãnh. Đại diện công ty chỉ đưa cho tôi bản hợp đồng bằng tiếng Anh, không có bản tiếng Việt”.
Ngày 23.6.2023, anh Tú sang New Zealand và được nhận vào làm việc trong thời gian 9 tuần với chủ sử dụng lao động là người bản địa.
“Trước khi ký hợp đồng, đại diện công ty thông tin nếu sang New Zealand NLĐ sẽ được chủ sử dụng lao động cung cấp chỗ ở, hỗ trợ đi lại, trả lương đầy đủ… Tuy nhiên, sự thật khác xa với lời quảng cáo, tôi phải bỏ tiền để thuê chỗ ở, tự túc phương tiện đi làm, không được trả lương đầy đủ. Trong 9 tuần, tôi chỉ được trả lương 5 tuần, chủ nợ lương 4 tuần. Trừ chi phí ăn ở, tôi chỉ còn lại hơn 30 triệu đồng” – anh Tú cho hay.
Sau 9 tuần, do chủ không bố trí được công việc nên anh Tú mới giật mình tìm hiểu và nghi ngờ mình bị lừa bởi sau đó anh không liên lạc được với người chủ cũ.
“Sau một thời gian lang thang bên xứ người, tôi bị cơ quan chức năng của New Zealand kiểm tra giấy tờ và bắt giữ với lý do nhập cảnh trái phép để lao động “chui”, bởi chủ sử lao động đang bị điều tra vì hành vi “buôn người”; tiếp đó tôi được cấp visa tạm thời có thời hạn 6 tháng để tìm việc làm. Lang thang trong tình trạng không có việc làm, tiền hết… nên tôi gọi điện về Việt Nam nhờ người nhà vay tiền gửi sang để tôi mua vé máy bay về nước. Nợ cũ chưa trả được, gia đình tôi lại phải gánh thêm khoản nợ mới” – anh Tú chua chát nói.
Về nước, anh Tú đã tìm ông Bảy và bà Yến để đòi lại số tiền đã nộp nhưng không được đáp ứng. Cho rằng mình bị lừa nên anh Tú đã làm đơn trình báo, tố cáo, kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và Báo Lao Động.
Công ty và NLĐ thỏa thuận đền bù chưa thành
Sau khi tiếp nhận thông tin từ anh Tú, phóng viên đến ngõ 18 Nguyễn Cơ Thạch, Hà Nội để tìm gặp ông Trần Văn Bảy và bà Phan Thị Yến. Tuy nhiên, công ty đã chuyển địa điểm.
Qua số điện thoại do NLĐ cung cấp, phóng viên liên lạc được điện thoại với ông Trần Văn Bảy.
Ông Bảy nhận là Giám đốc Công ty Nhật An và công ty không được cấp phép đưa người đi xuất khẩu lao động sang New Zealand.
Liên quan đến sự việc của anh Tú, ông Bảy cho biết, sau khi anh Tú về nước phía công ty và anh Tú đã có 2 lần trao đổi; tiếp đó do anh Tú làm đơn lên cơ quan Công an nên ông Bảy đã mang hồ sơ, giấy tờ của vụ việc lên nộp cho cán bộ Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội); phóng viên Báo Lao Động muốn xác minh thông tin thì có thể lên Công an quận Nam Từ Liêm để tìm hiểu.
Ngoài ra, ông Bảy cho biết, bà Yến không phải là người của Công ty Nhật An mà chỉ là người giới thiệu anh Tú tới công ty. Sau khi tiếp nhận thông tin từ anh Tú, Công ty Nhật An tiếp tục giới thiệu anh Tú cho một công ty trong TP Hồ Chí Minh để ký hợp đồng đưa NLĐ sang New Zealand làm việc.
Theo ông Bảy, anh Tú đi New Zealand theo hình thức visa chủ bảo lãnh – NLĐ đăng ký tìm việc phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của chủ sử dụng lao động thì chủ sẽ làm thủ tục để cơ quan chức năng của New Zealand cấp visa cho NLĐ. Trong thời gian chăm nuôi ong, anh Tú vẫn được nhận lương bình thường; sau đó NLĐ chủ động chuyển đổi visa để tự đi xin việc khác… Do không phù hợp nên anh Tú đã về nước gặp công ty để đề nghị được hỗ trợ…
Trả lời câu hỏi dựa trên quy định nào mà Công ty Nhật An thu khoản phí 570 triệu đồng của NLĐ, ông Bảy nói, việc thu tiền là do bà Yến tự thỏa thuận và thu. Công ty Nhật An chỉ tiếp nhận và “gửi” hồ sơ của anh Tú vào một công ty hoạt động lữ hành, du lịch trong TP Hồ Chí Minh.
Về câu hỏi công ty trong TP Hồ Chí Minh nhận hồ sơ của anh Tú có được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép đưa người đi xuất khẩu lao động không? Ông Bảy nói: “chưa tìm hiểu vấn đề phóng viên nêu”.
Theo ông Bảy, anh Tú về nước và đề nghị Công ty Nhật An trả lại 100% tiền nộp; công ty trao đổi sẽ phối hợp với bà Yến để “đền” cho anh Tú khoảng 10.000USD (khoảng 250.000.000 đồng), tuy nhiên anh Tú không đồng ý.