Kế sinh nhai của hàng trăm lao động nghèo
Gần một ngày dừng hoạt động, bến đò ngang cặp sông Hậu thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Ninh Kiều (Cần Thơ) nối Bình Minh (Vĩnh Long) đã hoạt động trở lại. Tuy vậy, phà có thể tiếp tục hoạt động lâu dài hay không vẫn còn bỏ ngỏ, khiến nhiều lao động mưu sinh ở đây hoang mang.
Lúc 8h30 ngày 3/5, bến đò ngang ngừng hoạt động khiến hàng trăm người hoang mang (Ảnh: T.T.).
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sáng 4/5, việc bến phà ngưng hoạt động ngày hôm qua (3/5) khiến nhiều người dân khá bất ngờ. Đặc biệt, nhiều người buôn gánh bán bưng trên phà không biết sẽ mưu sinh ra sao, về nhà như thế nào?
Được biết, bến phà này tồn tại đã 14 năm, phục vụ nhu cầu đi lại cho hàng nghìn người dân mỗi ngày. Đặc biệt, trong số khách qua lại bến đò, có 30% là lao động tự do như bán hàng rong, bốc vác, bán vé số dạo…
Chị Trần Thị Thanh Tuyền (29 tuổi, ngụ thị xã Bình Minh) kể, lúc phà đặt bảng thông báo ngừng chạy chị đang ở bên phía bến Cần Thơ. Khi ấy, trên tay chị còn cầm hơn 120 tờ vé số, chị ôm đứa con gái 21 tháng tuổi không biết làm sao để về nhà.
Chị Tuyền ôm con gái mới 21 tháng tuổi đi bán vé số ở bến phà Ninh Kiều – Bình Minh. Người phụ nữ chỉ mong phà tiếp tục chạy để có thu nhập ổn định nuôi con (Ảnh: Bảo Kỳ).
Nếu đi xe ôm với quãng đường gần 15km, người phụ nữ này phải mất hơn 100.000 đồng. Khi chị đang không biết phải xoay sở ra sao thì may mắn có người đàn ông tốt bụng chạy đò dọc chở mẹ con chị cùng một vài người bán hàng rong, vé số dạo về bờ Vĩnh Long.
“Tâm trạng lúc đó rối bời, không còn tâm trí bán buôn vì nghe tin phà nghỉ chạy. Tôi bán vé số trên phà này 5 năm rồi, mỗi ngày cũng kiếm trên 100.000 đồng. Do kinh tế eo hẹp, không có ông bà ở gần nên khi đi bán vé số phải ẵm con theo”, chị Tuyền bộc bạch.
Còn bà Phan Thị Mỹ Sương (48 tuổi, bán nước giải khát ở bến Bình Minh) cho biết, bến phà này là kế sinh nhai của rất nhiều lao động nghèo. Giá cước qua phà chỉ từ 3.000 đồng/lượt.
“Bản thân tôi bán nước ở đây đã chục năm rồi, bây giờ bến phà nghỉ chạy, tôi cũng chưa biết làm nghề gì để có thu nhập”, bà Sương nói thêm.
Dù đã có cầu Cần Thơ nhưng bến đò này vẫn có nhiều người sử dụng vì thuận tiện, đỡ phải đi vòng hơn chục cây số qua bờ bên kia (Ảnh: Bảo Kỳ).
Vì sao bến đò nghỉ 1 ngày nay đã hoạt động lại?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Văn Hiếu, Phó phòng Quản lý đô thị cho biết, bến phà do Sở Giao thông vận tải thành phố cấp giấy phép hoạt động. Tháng 6/2022, Sở này gia hạn hoạt động cho bến thêm 12 tháng. Khi hết thời hạn trên, khi kiểm tra hồ sơ, nhận thấy tính pháp lý về đất đai của bến chưa rõ ràng, nên Sở gia hạn cho bến phà hoạt động đến hết tháng 3/2024.
Nếu không có bến đò này, những người bán hàng rong, vé số dạo sẽ rất vất vả (Ảnh: Bảo Kỳ).
Đại diện phòng Quản lý Đô Thị quận Ninh Kiều cho hay, trước thời điểm phà ngưng hoạt động, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, chủ bến phà bờ Cần Thơ, có xin gia hạn nhưng tính pháp lý của bến chưa rõ ràng nên chưa được chấp thuận.
Cụ thể phần diện tích hàng trăm m2 đất và đường dẫn vào bến phà này hiện vẫn do Công ty cổ phần quản lý khai thác cầu Cần Thơ (Công ty cầu Cần Thơ) quản lý, khai thác.
Tuy nhiên, trong phương án của Bộ Giao thông Vận tải năm 2014 về việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu của công ty cầu Cần Thơ lại không thể hiện diện tích đất này.
Vì vậy, đất tại bến phà Cần Thơ vẫn thuộc quyền của Bộ GTVT nên hợp đồng giữa công ty và chủ bến phà không đảm bảo tính pháp lý.
Về việc vì sao phà đã thông báo ngưng hoạt động từ sáng 3/5 mà nay lại phục vụ tiếp, ông Hiếu lý giải, nhận thấy nhu cầu đi lại, buôn bán thiết yếu của người dân nên UBND quận Ninh Kiều tạm cho phép bến phà hoạt động đến hết tháng 6/2024, trùng với thời gian hết hạn giấy phép của bến phà Bình Minh.
Nếu cuối hạn này, chủ bến đò không đáp ứng các thủ tục pháp lý đề ra, buộc lòng ngành chức năng phải tạm đóng bến phà.
Về việc cấp phép, do có liên quan đến đất nên bà Thủy cần liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ để làm việc cho đúng chuyên môn, trình tự.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, chủ bến phà bờ Cần Thơ cho biết thủ tục làm giấy phép hoạt động của bến phà còn khó khăn nên chưa nộp hồ sơ, thủ tục đúng hạn (Ảnh: Bảo Kỳ).
Liên quan việc cấp giấy phép bến phà hoạt động, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, sau 2 lần được Sở Giao thông vận tải TP và UBND quận Ninh Kiều gia hạn giấy phép hoạt động, cuối tháng 1 vừa qua, quận cho biết có nhiều quy định mới, một số nội dung trong giấy phép đã cấp không còn phù hợp.
“UBND quận Ninh Kiều đề nghị tôi liên hệ phòng Quản lý đô thị quận, lập thủ tục cấp giấy phép hoạt động mới theo quy định. Tôi đã đo đạc, vẽ hồ sơ giấy phép về mặt nước nhưng khi đến gặp ngành chức năng vẫn chưa giải quyết thỏa đáng nên mới trễ nải đến giờ”, bà Thủy nói.