Thay đổi cách tiếp cận
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã làm tốt chế độ, chính sách hậu phương quân đội, nhất là người hoàn thành nghĩa vụ quân sự và công an nhân dân (gọi tắt là quân nhân xuất ngũ).
Cán bộ Trường CĐ Nghề Đà Nẵng tư vấn tuyển sinh học nghề cho quân nhân xuất ngũ tại Q.Sơn Trà
TP.Đà Nẵng là một trong những địa phương duy trì tốt công tác giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, nhưng so với yêu cầu đặt ra vẫn chưa phát huy đầy đủ nếu xét ở các góc độ như tỷ lệ người có việc làm ổn định, chất lượng đời sống, vai trò đảng viên (được kết nạp khi tại ngũ) ở địa phương…, trong khi đây là đội ngũ được đào tạo chất lượng.
Theo văn bản chỉ đạo 4175 ngày 30.1 của Thành ủy Đà Nẵng, công tác quản lý quân nhân xuất ngũ (nhất là đảng viên xuất ngũ vào ngạch dự bị động viên) đúng quy định, phần lớn các đảng viên này về địa phương tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện các chế độ, chính sách có lúc, có nơi chưa đáp ứng kịp thời, nhất là trong giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ còn nhiều hạn chế, công tác quản lý đảng viên xuất ngũ có nơi thiếu chặt chẽ…
Các lãnh đạo ngành của địa phương phải trách nhiệm, tư duy mới trong định hướng nghề nghiệp quân nhân xuất ngũ. Không hẳn học nghề xong là làm việc ở Đà Nẵng, trong khi Bình Dương cần 80.000 lao động, TP.HCM cần 110.000 lao động. Sự dịch chuyển là khách quan, tất yếu để phát huy cơ hội, sức trẻ, lực lượng lao động vàng cho công nghiệp.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng NGUYỄN VĂN QUẢNG
Do đó, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thảo luận, quyết định tổ chức nâng cao chất lượng giải quyết chế độ cho quân nhân xuất ngũ. Mục tiêu nhằm biểu dương những nỗ lực trong thời gian nghĩa vụ quân sự; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quân nhân xuất ngũ và cung cấp kịp thời những thông tin mới về chế độ, chính sách.
Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và hội đoàn thể xác định trách nhiệm trong việc chăm lo đời sống quân nhân xuất ngũ, đảm bảo việc làm, gia đình ổn định cuộc sống và trở thành công dân ưu tú. Tháng 2.2024, các địa phương tại TP.Đà Nẵng đã tổ chức đón 1.275 quân nhân xuất ngũ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an nhân dân về địa phương.
Tại buổi gặp mặt quân nhân xuất ngũ H.Hòa Vang, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo, phấn đấu 100% quân nhân xuất ngũ được học nghề theo nguyện vọng, 70% quân nhân xuất ngũ có việc làm ổn định.
Lãnh đạo thành phố giới thiệu việc làm
Ông Nguyễn Văn Quảng cũng nhấn mạnh cần thay đổi quan điểm, cách thức tiếp cận tạo việc làm để đào tạo nghề, đặc biệt là trách nhiệm hai chiều, để chăm lo cuộc sống của quân nhân xuất ngũ. “Biện pháp phải cụ thể, thực chất hơn nữa trong việc tạo ra các cơ hội tìm kiếm, học nghề và làm việc. Quân nhân xuất ngũ trước đây đã có nghề thì phải quan tâm bố trí việc làm phù hợp. Người học nghề thì phù hợp năng lực, khả năng”, ông Quảng nói.
Quân nhân xuất ngũ có nhu cầu rất lớn về học nghề và công việc
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhu cầu về nhân lực, thị trường lao động hiện hết sức lớn, như Tập đoàn Foxlink mở nhà máy tại TP.Đà Nẵng cần 2.000 công nhân trình độ 12/12 để đào tạo, đưa sang làm việc tại nhà máy Trung Quốc, Đài Loan.
“Từ chủ trương của lãnh đạo thành phố, các lãnh đạo ngành của địa phương phải trách nhiệm, tư duy mới trong định hướng nghề nghiệp quân nhân xuất ngũ. Không hẳn học nghề xong là làm việc ở Đà Nẵng, trong khi Bình Dương cần 80.000 lao động, TP.HCM cần 110.000 lao động. Sự dịch chuyển là khách quan, tất yếu để phát huy cơ hội, sức trẻ, lực lượng lao động vàng cho công nghiệp”, ông Nguyễn Văn Quảng nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng gợi mở, sắp đến lãnh đạo thành phố làm việc với Hàn Quốc để giới thiệu lực lượng lao động sang làm nông nghiệp với thu nhập 250 – 300 triệu đồng/người trong 6 tháng. Trong đó, dành ưu tiên tỷ lệ nhất định cho quân nhân xuất ngũ, cho nên thanh niên cần chuẩn bị, trau dồi ngoại ngữ, kỹ năng.
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng, cho biết thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, đơn vị đã có những kiến nghị T.Ư về các vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý của việc mở rộng ngành nghề. Ở góc độ quân nhân xuất ngũ, hầu hết mới tốt nghiệp THPT hay CĐ, chưa định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Để nâng cao chất lượng chọn nghề, nhà trường, địa phương cần tư vấn hướng nghiệp sớm, đồng thời chủ động liên kết doanh nghiệp tuyển dụng, xác định đầu ra việc làm, giúp quân nhân xuất ngũ nhanh chóng có công việc phù hợp. Có vậy, mới tránh được tâm lý theo bạn bè, hay học theo “lối mòn” với nghề tài xế.
Đại tá Đỗ Văn Đông, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.Đà Nẵng, cho rằng cách làm của TP.Đà Nẵng là bước đột phá so với nhiều nơi, trong đó gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, tạo điều kiện để quân nhân xuất ngũ đỡ thiệt thòi, góp phần giải quyết tình trạng một số quân nhân xuất ngũ chưa có việc làm.