Yên Bái coi trọng công tác tư vấn về xuất khẩu lao động cho đối tượng trẻ. Ảnh: Bảo Nguyên
Xây được nhà sau 5 tháng xuất khẩu lao động
Sau khi nắm bắt thông tin về thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc, anh Mai Văn Thọ, thôn Làng Chạng, xã Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã đăng ký làm việc trong thời hạn 5 tháng. Công việc của anh là nuôi bào ngư trên đảo Cheosando, quận Wando, tỉnh Jeolla Nam, thu nhập từ 35 – 40 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2023, sau khi hết hạn hợp đồng lao động, anh Thọ về quê và xây sửa lại căn nhà dột nát, tạm bợ gia đình đã ở suốt nhiều năm qua.
“Nhờ đi xuất khẩu lao động tôi mới có điều kiện thực hiện ước mơ của mình. Quá trình đăng ký tham gia thị trường đến khi sang Hàn Quốc làm việc rồi trở về quê, tôi đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các cơ quan chức năng. Hiện nay, tôi tiếp tục chờ đợt tuyển dụng mới để có cơ hội quay lại Hàn Quốc làm việc”, anh Thọ chia sẻ.
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, nhìn chung, lao động đi làm việc ở nước ngoài được thị trường chấp nhận, đa số nỗ lực, chủ động học tập, nắm bắt công việc, sáng tạo và cần cù lao động.
Tính đến hết năm 2023, tỉnh Yên Bái có hơn 376.000 lao động trên 15 tuổi. Địa phương vùng cao này đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm toàn tỉnh đưa 1.500 – 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh
Qua báo cáo của doanh nghiệp và theo số liệu thống kê từ các địa phương, giai đoạn 2019 – 2023, tỉnh Yên Bái đã đưa 2.212 lao động đi làm việc tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Đức, Trung Đông, Lào, Thái Lan, Malaysia…
Thu nhập của lao động đi làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, có thể cao hơn từ 2 đến 3 lần thu nhập trong nước cùng ngành nghề, trình độ. Sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, thu nhập tiết kiệm của lao động còn khoảng 8 đến 10 triệu đồng/tháng ở thị trường lao động giản đơn như: Malaysia, Lybia; từ 13 đến 15 triệu đồng/tháng ở thị trường có thu nhập trung bình như: UAE, Đài Loan (Trung Quốc); tại Hàn Quốc và Nhật Bản người lao động có thu nhập cao hơn, từ 35 đến dưới 50 triệu đồng/tháng. Công việc của lao động tập trung chủ yếu vào một số ngành nghề như: Sản xuất chế tạo, may mặc, điện tử, giúp việc gia đình, hộ lý, xây dựng…
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái – cho biết: “Người lao động làm việc ở nước ngoài được người sử dụng lao động tín nhiệm và đánh giá cao. Tỉ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đã giảm mạnh sau khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về. Nhờ có thu nhập ròng cao, người lao động đã tiết kiệm và gửi được tiền về cho gia đình. Khoản tiền người lao động gửi về nhà được chia thành hai phần: Một phần gia đình chi tiêu vào việc nâng cao mức sống, chăm sóc sức khỏe của gia đình, đặc biệt là chi tiêu cho việc học tập của con cái, góp phần nâng cao dân trí; một phần lớn dành để tiết kiệm nhằm mục đích đầu tư trong tương lai”.
Theo bà Vũ Thị Hiền Hạnh, việc đưa người lao động của tỉnh Yên Bái đi làm việc tại nước ngoài không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, trình độ kỹ năng nghề sau khi về nước, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Không chỉ tạo việc làm cho lao động nông thôn tại thị trường ngoài nước, Yên Bái còn đẩy mạnh hoạt động kết nối thông tin thị trường lao động, kết nối doanh nghiệp tổ chức các hội nghị, phiên giao dịch việc làm nhằm hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, tỉnh này giải quyết việc làm từ 20.000 – 22.000 lao động, trong đó, cung ứng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước chiếm gần 38%.