Nguy cơ mất trắng cả tỉ đồng vì góp vốn mua chung đất trồng sầu riêng ở Đắk Lắk

Nguy cơ mất trắng cả tỉ đồng vì góp vốn mua chung đất trồng sầu riêng ở Đắk Lắk

Nghe lời một công ty quảng cáo sẽ lãi cả 1 tỉ đồng/năm khi mua đất trồng sầu riêng tại Đắk Lắk, anh Việt Hoàng (SN 1988, Thái Nguyên) quyết định vay ngân hàng 1 tỉ đồng để đầu tư.

Khoảng giữa tháng 11/2022, anh Hoàng vô tình lướt Facebook thấy một người bạn chia sẻ về bài viết của một công ty kêu gọi nhà đầu tư cho mảnh đất 3 tỉ đồng tại Đắk Lắk để trồng sầu riêng.

Theo anh Hoàng, công ty này mời chào mọi người góp vốn rồi chung mua đất nông nghiệp để trồng sầu riêng với lợi nhuận 30 đến 55% sau 5 năm mà “không cần làm gì cả và hoàn toàn yên tâm vì không có rủi ro”.

“Khi đọc được bài viết, mình bắt đầu tìm hiểu về mô hình đầu tư này. Mình được biết, sau khi Việt Nam đạt hiệp định xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc thì giá loại trái cây này đạt mức rất cao, lên đến 100-150 nghìn đồng/kg tại vườn. Rất nhiều người đã thành công khởi nghiệp với mô hình trồng sầu riêng nên mình cũng muốn thử” – anh Hoàng cho biết.

Cân nhắc khoản tiền tiết kiệm cùng thu nhập mỗi tháng, anh Hoàng quyết định vay ngân hàng 1 tỉ đồng để đầu tư.

“Khi bắt đầu vào làm mình mới thấy xuất hiện nhiều bất cập, khác xa mọi lời quảng cáo. Đầu tiên, đất mình mua là loại đất trống nên mất rất nhiều thời gian để canh tác. Cây sầu riêng lại là loại cây rất khó trồng và chăm sóc, phụ thuộc rất nhiều vào thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu và đặc biệt là thời tiết. Thời tiết tại Đắk Lắk từ giữa năm 2022 trở lại đây khá thất thường nên xuất hiện hiện tượng chưa xổ nhị, rụng que diêm, khả năng sẽ mất vụ, đồng nghĩa với việc mất hàng trăm triệu đầu tư giống, phân bón các chi phí khác” – anh Hoàng bộc bạch.

“Thời điểm ký hợp đồng mình háo hức quá nên chỉ đọc sơ qua, đến khi đọc kỹ thấy có một điều sẽ khiến mình có nguy cơ mất trắng vốn. Cụ thể, trong trường hợp bất khả kháng hoặc các trường hợp ngoài khả năng kiểm soát của hai bên bao gồm: Dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, sự thay đổi của luật pháp, chính sách làm ảnh hưởng hoặc chấm dứt hợp đồng này. Khi xảy ra trường hợp trên dẫn đến vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm không chịu trách nhiệm dân sự và/hoặc bị phạt vi phạm hợp đồng trước bên kia. Nhưng trong nông nghiệp việc dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi. Việc công ty viện cớ dịch bệnh hay biến cố thiên tai để chấm dứt hợp đồng cũng không khó để xảy ra” – anh Hoàng cho biết thêm.

Ảnh minh họa.

Tại Khoản 2 Điều 98 Luật đất đai 2013 quy định thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

Khi muốn chuyển nhượng phải được sự đồng ý của tất cả người đứng tên. Nhưng khi chung vốn mua theo hình thức góp vốn đầu tư như trên thì người góp chỉ nhận được hợp đồng góp vốn, còn sổ đỏ đứng tên cá nhân hoặc doanh nghiệp thực hiện khai thác sầu riêng.

Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp này phá sản việc “đem con bỏ chợ” hoàn toàn có thể xảy ra. Lúc này các hợp đồng góp vốn này theo góc độ pháp lý đều là thoả thuận dân sự, việc ra toà, tranh chấp… rất mất thời gian, công sức.

Các chuyên gia khuyên các nhà đầu tư nên tỉnh táo vì hình thức “đưa tiền của mình cho người khác thay mình quản lý” này đã từng diễn ra trong quá khứ và đem lại nhiều hệ lụy xã hội, điển hình như vụ Alibaba, nhà trọ Tiến Phát…