Dấu ấn phụ nữ Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế

Dấu ấn phụ nữ Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế

Diễn đàn phụ nữ Việt Nam lần đầu tại châu Âu

Theo thông tin từ Trang tin ScandAsia ngày 5/6, đây là Diễn đàn phụ nữ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại châu Âu và cũng là sự kiện đầu tiên của người Việt Nam được tổ chức trong phòng họp Thượng viện của Tòa nhà Quốc hội, cơ quan lập pháp tối cao của Hungary. Điều này thể hiện sự quan tâm của Quốc hội nước này đối với phong trào phụ nữ Việt Nam, đồng thời chứng tỏ vị thế và uy tín của kiều bào ngày càng được khẳng định tại nước bạn.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 250 đại biểu đến từ 21 quốc gia bao gồm các nước trong khu vực châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, được tổ chức theo sáng kiến của Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, với sự phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại và sự bảo trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh vai trò của phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam.

Dấu ấn phụ nữ Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế ảnh 1

Bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc Diễn đàn.

“Nhiều chị không chỉ có uy tín ở nước sở tại mà còn kết nối hiệu quả cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài với đồng bào trong nước. Như chị Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam ở Hungary, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hungary, nhiều khoá liên tiếp (từ 2009 đến nay) là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và rất nhiều chị tiêu biểu tại các nước như Séc, Đức, Hà Lan…” – Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định.

Có thể nói, Tiến sĩ Phan Bích Thiện là cái tên không xa lạ với các hoạt động của phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài. Còn nhớ, khi đại dịch đang trong giai đoạn diễn biến phức tạp, trao đổi với truyền thông, chị Phan Bích Thiện đã cho biết, từ khi dịch bệnh bắt đầu, Ban Thường vụ Hiệp hội Người Việt Nam tại Hungary đã hoạt động như Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của cộng đồng; lập các nhóm Viber, Facebook để có thể truyền tải thông tin về dịch bệnh nhanh nhất đến bà con. Bà con người Việt ở Hunggary luôn trong tinh thần chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, nhất là với những người nhiễm bệnh. Hiệp hội cũng thường xuyên khuyến cáo bà con người Việt tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của chính quyền sở tại, tuân thủ nghiêm túc việc giãn cách xã hội, hạn chế tối đa việc di chuyển tới các địa điểm công cộng…

Đặc biệt, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, khi quê hương cần sự giúp đỡ thì bà con người Việt ở Hungary đều đồng lòng hướng về. Năm 2020 khi được tin lũ lụt lớn ở các tỉnh miền Trung, mặc dù đang gặp khó khăn vì dịch bệnh nhưng với tinh thần “tương thân, tương ái”, cộng đồng người Việt ở Hungary vẫn quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung là 48.000 EUR. Cá nhân chị Thiện, vào thời điểm tình hình dịch bệnh Việt Nam diễn biến phức tạp, sau khi nhận được lời kêu gọi ủng hộ phòng, chống COVID-19 đã ủng hộ 100 triệu đồng. Nối tiếp là rất nhiều sự ủng hộ của cộng đồng người Việt ở Hungary, trong đó có nhiều chị em phụ nữ.

Xây dựng cộng đồng “phụ nữ 4.0” tại nước ngoài

Theo Ban Tổ chức, chủ đề của “Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu” được xác định trên cơ sở nhận thức về sự phát triển của công nghệ 4.0 đã và đang tác động đến toàn cầu, cũng như tác động đến từng quốc gia, từng gia đình, từng cá thể trong xã hội, trong đó có vai trò rất quan trọng của phụ nữ. Do đó, nhận thức của người phụ nữ thời đại 4.0 sẽ không chỉ là học thức, kinh nghiệm mà còn là sự chủ động, khả năng nắm giữ – điều khiển và sử dụng công nghệ.

Thời đại chuyển đổi số đặt ra cho phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài những cơ hội cũng như thách thức để làm sao vẫn giữ gìn lan tỏa các giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời theo kịp với thời đại và hội nhập tốt.

Dấu ấn phụ nữ Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế ảnh 2

Trao quà lưu niệm tặng các vị khách quý tại Diễn đàn phụ nữ Việt Nam tại châu Âu.

Chia sẻ tình cảm đặc biệt sâu sắc dành cho Việt Nam và đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai nước Hungary và Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Hungary Mátrai Márta cũng cho rằng, phụ nữ là trụ cột căn bản của xã hội, phải đảm đương tốt nhiệm vụ cả trong công việc và trong gia đình. “Họ không chỉ phải làm việc gấp đôi để được công nhận và bình đẳng trong công việc, mà họ còn gánh trách nhiệm chủ yếu trong việc nuôi dạy con cái và công việc gia đình, điều này càng trở nên khó khăn hơn bởi những thách thức mà cả xã hội phải đối mặt”, TTXVN dẫn lời bà Mátrai Márt khẳng định.

Tại Diễn đàn, nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, “phụ nữ 4.0” cũng có nhiệm vụ gìn giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình và quốc gia, cũng như truyền lại cho các thế hệ sau. Ngoài ra, đối với phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, còn có nhiều hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc, đồng thời hội nhập tốt.

Trả lời truyền thông trước thềm Diễn đàn, Tiến sĩ Phan Bích Thiện cho biết, trong những năm gần đây phong trào người Việt ở nước ngoài nói chung và ở châu Âu nói riêng ngày càng phát triển, trong đó hoạt động của phụ nữ cũng là mảng rất quan trọng. Chị em phụ nữ bao giờ cũng đóng góp một phần rất quan trọng trong công tác của cộng đồng, trong việc xây dựng cộng đồng cũng như hướng về quê hương, đất nước.

Phong trào phụ nữ có rất nhiều mảng. Hiện giờ phong trào phụ nữ ở châu Âu phát triển rất mạnh về những mảng như gìn giữ truyền thống của phụ nữ Việt, những cuộc thi áo dài, những cuộc thi duyên dáng Việt Nam… Bên cạnh đó cũng có mảng rất quan trọng là việc làm sao hội nhập tốt, thích hợp được trong hoàn cảnh mới, đặc biệt trong thời đại cách mạng 4.0.

Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu đã khép lại, nhưng những ý tưởng, đề xuất ở sự kiện sẽ tạo nền tảng cho sự kết nối, hỗ trợ, trao đổi và phát triển hợp tác giữa phụ nữ Việt Nam tại các nước châu Âu và mở rộng ra các nước khác, góp phần xây dựng cộng đồng phụ nữ Việt Nam tại nước ngoài trong thời đại mới với tinh thần “Tự tin, năng động, sáng tạo, kết nối”.