Lấy dân làm gốc trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh
“Dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc” là tư tưởng và phương châm hành động của các bậc hiền triết từ đông sang tây, từ cổ chí kim. Danh nhân Nguyễn Trãi đã từng nói: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. Hay như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng đã từng tâu với vua Trần Anh Tông rằng: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Nói như vậy để thấy rằng dù cho trong thời đại nào việc dựa vào dân, lấy dân làm gốc luôn được coi là yếu tố tiên quyết đến mọi thắng lợi.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Phước tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Hồng Ánh
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi Người tiếp cận được với Chủ nghĩa Mác- Lê Nin thông qua đọc “Bản sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo vào năm 1920. Người đã rất tâm đắc và cho đây là luồng ánh sáng mới cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng thuộc địa. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những tinh hoa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút, nâng
tư tưởng lấy dân làm gốc lên một tầm cao mới phù hợp với xu thế và đặc điểm xã hội Việt Nam.
Theo đó, Người xác định nhân dân là chủ thể, là dân tộc gồm 04 giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử yêu nước khác(1). Đây là lực lượng đông đảo, to lớn, vừa là nơi tập hợp trí tuệ, sức mạnh, đạo đức, tài năng và của cải, vừa là nơi tập hợp của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Kế thừa và phát triển tư tưởng trọng dân, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dân chính là gốc của nước, “nước lấy dân làm gốc”(2). Trong bài thơ cổ động được viết năm 1948, Người cũng đã căn dặn:
“Quân tốt, dân tốt
Muôn sự đều nên.
Gốc có vững, cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(3).
Trong bài nói tại hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất diễn ra vào ngày 24-6-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”(4). “Đối với nhân dân, thì công cụ của nhà nước dân chủ mới (Chính phủ, Pháp luật, công an, Quân đội…) là để giữ gìn quyền lợi của nhân dân”.
Khi nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khoá 2, trường Đại học nhân dân Việt Nam ngày 08-12-1956, Bác Hồ tiếp tục nhấn mạnh lại vai trò làm chủ và sức mạnh, trí tuệ của dân: “Trong bầu không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người cũng thường xuyên nhắc tới câu ca dao của người dân Quảng Bình rằng “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong” của nhà thơ Thanh Tịnh viết năm 1948. Dân là gốc của nước, từ đầu chí cuối Người luôn coi trọng dân, tin vào dân, dựa vào dân để phát huy sức mạnh từ dân, mang lại độc lập, thống nhất, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên, thân sỹ yêu nước đều “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho dân”(5).
Đảng ta ra đời và được nuôi dưỡng trưởng thành từ nhân dân. Khi lòng dân và ý đảng cùng chung một nhịp đập thì mới phát huy được nguồn sức mạnh và tinh thần đoàn kết của nhân dân. Lấy dân làm gốc cũng là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Muốn làm được điều đó phải gần dân, lắng nghe dân, thấu hiểu dân, tôn trọng dân, đề ra chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Tất cả mọi sự nghiệp đều là của dân, do dân và vì dân.
Quan điểm lấy dân làm gốc cũng chính là nền tảng cho công cuộc đổi mới và tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã và đang thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Hết lòng phụng sự nhân dân
Trong thư gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhân ngày kỷ niệm ngày thành lập quân giải phóng Việt Nam 22-12-1949, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ”(6). “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Để trở thành quân nhân, việc đầu tiên là phải thuộc lòng mười lời thề danh dự của quân nhân; trong đó lời thề thứ 9 nói rõ “Khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng ba điều nên: Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân. Và ba điều răn: Không lấy của dân, không doạ nạt dân, không quấy nhiễu dân. Để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân. Thực hiện quân với dân một ý chí”.
Thật vậy, “Quân đội ta là quân đội của nhân dân. Trong thời kỳ kháng chiến, quân đội thi đua giết giặc, để bảo vệ nhân dân, hòa bình trở lại, quân đội vừa lo học tập, vừa ra sức giúp nhân dân trong mọi việc.… Vì bộ đội luôn luôn ra sức phục vụ nhân dân, cho nên nhân dân thương yêu bộ đội như con em ruột thịt của mình”(7). Quân với dân như cá với nước.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng nói chung và Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước nói riêng đã luôn xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Thường xuyên “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” để bảo vệ dân, bảo vệ biên giới(8). Thông qua việc thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất, những năm qua BĐBP tỉnh đã triển khai thực hiện ngày càng nhiều những mô hình dân vận khéo; tiêu biểu có thể kể đến như: Nâng bước em tới trường, con nuôi đồn biên phòng, xuân biên phòng ấm lòng dân bản, tháng ba biên giới, BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới, bò giống cho người nghèo, ngân hàng bò giống, vì sức khỏe cộng đồng, mái ấm cho người nghèo nơi biên giới… đã và đang góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc nơi biên giới. Ngoài chức năng là lực lượng chuyên trách trong quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, Bộ đội biên phòng còn đảm nhận nhiều vai trò khác nhau nhằm đảm bảo an ninh, an sinh và an toàn biên giới, cũng như trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân.
Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến 2022, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Bình Phước đã xây dựng gần 432 ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết với trị giá hơn 14 tỷ đồng; hỗ trợ 49 con bò giống, 45 con dê giống và nhiều phương tiện sinh kế khác với trị giá gần 1 tỷ 400 triệu đồng; tổ chức được 82 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 25.799 lượt người, xây dựng 4 trạm xá Quân – dân y trị giá gần 20 tỷ đồng; tổ chức hàng nghìn ngày công lao động giúp dân xây dựng, sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh, làm đường giao thông nông thôn, khắc phục hậu quả thiên tai, thu hoạch mùa vụ. Nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tiếp sức cho các cháu đến trường tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trên con đường học tập.
Đặc biệt trong những năm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, cùng với cả hệ thống chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cũng đã khắc phục khó khăn, chung tay góp sức về vật chất, hàng hóa thiết yếu, trang bị y tế, lương thực thực phẩm với trị giá hàng chục tỷ đồng cho người dân khu vực biên giới. Nhân dịp các ngày lễ, tết, BĐBP tỉnh cũng trao tặng hàng nghìn suất quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, những năm qua BĐBP tỉnh cũng đã cử hàng trăm cán bộ có chuyên môn, năng lực tăng cường cho các xã biên giới, phân công đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn ấp, phụ trách, giúp đỡ các hộ gia đình ở khu vực biên giới.
Vì thế, BĐBP đã được nhân dân gọi rất nhiều tên gọi gần gũi và thân thương khác như: Thầy giáo quân hàm xanh, thầy thuốc quân hàm xanh, người chiến sĩ văn hóa quân hàm xanh, người kỹ sư quân hàm xanh…. Bởi họ có thể khi hóa thân thành những người thầy thuốc không quản mưa nắng, ngày đêm để khám bệnh, cấp cứu cho người dân, khi hóa thân thành những người nông dân truyền đạt khoa học kỹ thuật vào sản xuất, và khi họ lại trở thành những chiến sĩ can trường trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ bình yên cho nhân dân biên giới.
Khi được nhân dân tin yêu và coi là chỗ dựa tin cậy, nhân dân cũng trở thành tai, mắt, thành những cánh tay nối dài trong việc quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Có thể kể đến hàng chục những hội, nhóm, câu lạc bộ từ học sinh, thanh niên, phụ nữ đến người cao tuổi đều năng nổ, nhiệt tình tham gia, như: Câu lạc bộ phụ nữ dân tộc tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, phụ nữ bảo vệ biên giới, tổ tự quản đường biên mốc quốc giới, điểm sáng biên giới, toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc…. Nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho BĐBP trong đấu tranh phòng chống tội phạm; tích cực tham gia tuần tra, phát quang, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới.
Những việc làm thực tâm, thực lòng của cán bộ chiến sĩ BĐBP tỉnh với đồng bào biên giới đã góp phần tích cực trong tham gia củng cố hệ thống chính trị; phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước,
Quân đội, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đồng thời khẳng định vững chắc thêm lời dạy của Bác “dân là gốc của nước. Nước lấy dân làm gốc” thì mọi việc ắt thành công.
Nguyễn Thị Ánh (BĐBP Bình Phước)
————————-
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, tr.264.
2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.501,502.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, t7, tr434
5. Hồ Chí Minh toàn tập, t5, tr75
6. Hồ Chí Minh toàn tập, t.6, tr.264.
7. Hồ Chí Minh toàn tập, t10, tr224.
8. Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 29-8-2018, tr6.