Vợ chồng 8X với chuyện “ôm rơm nặng… túi”

Vợ chồng 8X với chuyện “ôm rơm nặng… túi”

Vợ chồng 8X với chuyện “ôm rơm nặng… túi”  

(Dân trí) – Nhìn thấy giá trị kinh tế từ thứ phụ phẩm nông nghiệp bị người dân vứt ngoài đồng này, mỗi năm, gia đình anh Hoàng Văn Anh chỉ đi gom nhặt rơm cũng… sống khỏe. 

Vợ chồng 8X với chuyện ôm rơm nặng... túi - 1

Chiếc máy gom rơm có giá gần 400 triệu đồng giúp giải phóng sức người, tăng năng suất lao động (Ảnh: Hoàng Lam).

Nhìn thấy tiền trong thứ vứt bỏ đầy đồng

38 tuổi, Hoàng Văn Anh (trú tại xóm Khoa Đà, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) sở hữu khối tài sản nhiều người mơ ước. Hiện người đàn ông này đang có trong tay 4 máy gom rơm, 2 ô tô tải, hệ thống sấy và kho bãi rộng gần 1.000m2, thu nhập cao mỗi năm. Cơ ngơi hiện tại của anh phần lớn từ những cọng rơm nhỏ bé mang lại.

Hưng Tây là xã thuần nông, mỗi năm trồng 2 vụ lúa, nhưng đó là câu chuyện trước khi Khu công nghiệp Vsip được mở ra ở đây. Giờ, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã trở thành nhà xưởng nhưng vợ chồng anh Anh vẫn bám trụ với đồng ruộng, chỉ là bằng cách khác trước đây.

Vợ chồng 8X với chuyện ôm rơm nặng... túi - 2

Anh Hoàng Văn Anh nhìn thấy giá trị kinh tế từ những phần rơm nông dân bỏ đi hoặc lãng phí bằng cách đốt (Ảnh: Hoàng Lam).

Nhớ về thuở khởi nghiệp, anh Anh kể, hồi ấy, người dân chủ yếu gặt tay, rồi sử dụng máy tuốt công nghiệp. Cơ giới hóa nhiều, trâu bò nuôi ít dần, người dân cũng ít có nhu cầu sử dụng rơm, rạ hơn trước. Những đống rơm vứt đầy đồng, đầy đường, choán hết cả lối đi. Vốn nhanh nhạy trong làm ăn, vợ chồng anh Anh nhìn thấy tiền trong những đống rơm vứt đi ấy.

“Tôi thấy bà con bỏ đi như thế thì phí quá. Nhiều nơi bà con phơi khô rồi đốt, cứ ngỡ như thế sẽ tăng độ mùn cho đất nhưng các nhà khoa học chứng minh làm thế sẽ khiến đất bị thoái hóa, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi bà con vứt hoặc đốt thì nhiều nơi lại rất cần rơm rạ để dự trữ cho trâu, bò. Vậy thì tại sao mình không gom của người thừa bán cho người cần?”, anh Anh chia sẻ. 

Vợ chồng 8X với chuyện “ôm rơm nặng… túi” (Video: Hoàng Lam)

Vợ chồng anh Anh bắt đầu công việc gom rơm từ năm 2011. Thời điểm đó, việc gom rơm hoàn toàn thủ công. Hai vợ chồng với chiếc cào sắt, cào rơm ra phơi, gom lại, chất lên xe tải nhỏ mang bán cho người dân vùng Nghi Ân, Nghi Đức (thành phố Vinh) làm thức ăn cho gia súc hay dùng giữ ẩm cho gốc cây cảnh. Mỗi ô tô chất được khoảng 8 tạ rơm khô, hai vợ chồng bán được 600.000-800.000 đồng tùy thời điểm. So với trồng lúa hay công việc khác thì thu nhập từ rơm cao hơn hẳn.

Vợ chồng 8X với chuyện ôm rơm nặng... túi - 3

Anh Anh sử dụng hệ thống máy sấy để chủ động nguồn cung, dự trữ và nâng cao giá trị của rơm (Ảnh: Hoàng Lam).

Thị trường ngày càng mở rộng, một phần khách giới thiệu, một phần anh Anh tiếp cận các trang trại lớn trong tỉnh. Lúc này, việc thu gom thủ công không thể đáp ứng được nhu cầu, anh Anh vào miền Nam tìm hiểu về các loại máy thu gom rơm. Một tuần “công du”, anh mua về một máy gom rơm bán tự động với giá 110 triệu đồng. Ưu điểm của máy này là gom được nhiều và nhanh hơn nhưng anh Anh phải thuê thêm một đầu máy cày để kéo máy. Chưa kể, rơm được gom, đóng thành cuộn đến đâu thì bỏ ngay tại ruộng, anh Anh phải thuê thêm nhiều nhân công để vác đến điểm tập kết.

Năm 2014, anh đầu tư gần 400 triệu đồng để mua máy cuộn tự hành. Với máy này, năng suất công việc vượt trội, rơm được gom, cuốn thành cuộn, đẩy lên sàn, chỉ cần thêm một nhân công xếp rơm vào thùng được thiết kế đi kèm máy. Như vậy, mỗi máy gom chỉ sử dụng 3 nhân công, bao gồm thợ lái máy, thợ phụ và bốc vác.

Vợ chồng 8X với chuyện ôm rơm nặng... túi - 4

Rơm bị bỏ phí ngoài đồng được thu gom lại, đóng cuộn, cung cấp cho các trang trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh (Ảnh: Hoàng Lam).

Đơn hàng xuất khẩu tiền tỷ mà không dám nhận

Công việc gom rơm của anh Anh và nhóm lao động của mình bắt đầu từ khoảng cuối tháng 4, kéo dài cho đến hết tháng 10 hàng năm, khi bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa xuân hè cho đến kết thúc thu hoạch vụ hè thu.

“Lịch nông vụ từng địa phương khác nhau, từng tỉnh cũng có sự chênh lệch nên cứ gom hết đồng này thì chúng tôi kéo máy qua đồng khác, hết mùa vụ ở tỉnh này thì lại kéo nhau sang tỉnh kia. Vụ xuân hè này, nông dân thu hoạch xong thì làm đất cho vụ mới nên mỗi tỉnh chỉ gom rơm trong khoảng hơn nửa tháng, còn vụ hè thu, thời gian gom dài hơn, có khi mỗi tỉnh kéo dài trên dưới một tháng”, anh Anh cho hay.

Sau khi hạch toán chi phí nhân công, hao mòn máy móc, tiền xăng dầu, mỗi máy gom rơm lãi khoảng 100 triệu đồng/vụ/tỉnh.

Vợ chồng 8X với chuyện ôm rơm nặng... túi - 5

Hoạt động thu gom rơm của vợ chồng nông dân 8X này tạo việc làm với mức thu nhập cao cho 22 lao động nhưng họ vẫn lăn xả vào để hỗ trợ nhân công (Ảnh: Hoàng Lam),

Nhiều người dân bỏ rơm đi nhưng cũng nhiều nơi bán, bởi vậy lời lãi còn tùy thuộc vào chủ ruộng. Theo chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang – vợ anh Anh, sau thời gian dài trực tiếp đi gom rơm với chồng, chị thấy công việc này không phải không có rủi ro.

“Người dân không bán rơm nhưng họ xin rơm đã cuộn. Nói chung có thời điểm họ xin vài ba cuộn thì tôi cũng vui vẻ nhưng có trường hợp hết chồng xin đến vợ xin, một lát lại thấy con ra xin. Họ xin nhiều đến nỗi tôi nóng ruột quá theo về nhà thì phát hiện rơm họ mang về còn nhiều hơn rơm của mình còn ngoài đồng”, chị Trang kể.

Có lần, vì cuộn xong rơm thì trời cũng đã tối, vừa đói, vừa mệt nên vợ chồng chị Trang bảo nhau về ăn cơm, lát ra chở sau. Thế nhưng ăn cơm xong ra đồng thì 40 cuộn rơm chất thành đống gọn gàng cũng đã… bốc hơi. Coi như cả buổi hôm ấy, công sức của hai vợ chồng là công cốc, chưa kể còn lỗ tiền dầu máy.

Vợ chồng 8X với chuyện ôm rơm nặng... túi - 6

Theo chị Trang công việc thu gom rơm dù có mức thu nhập từ 800.000 đến 1,5 triệu đồng/ngày nhưng không phải ai cũng làm được (Ảnh: Hoàng Lam),

Ngoài ra, công việc này dễ bị tác động bởi thời tiết thất thường. Có năm, anh Anh và nhóm lao động cùng máy móc vào Huế gom rơm nhưng trời mưa liên miên khiến chuyến đi thất bại, phải bù lỗ cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, hiện “điểm khó” này đã được giải quyết nhờ đầu tư hệ thống sấy rơm. Dù mất thêm chi phí vận hành máy sấy nhưng bù lại, rơm được sấy, lưu kho, có thể chủ động nguồn cung cho thị trường. 

Quy mô sản xuất lớn hơn, thị trường tiêu thụ không ngừng được mở rộng ra các tỉnh, anh Anh phải thuê thêm 22 lao động. Hết Nghệ An, Hà Tĩnh, nhóm người và máy móc “hành quân” ra các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương…

Mức thu nhập của người lao động tùy vào hàm lượng kỹ thuật họ phụ trách theo vị trí thợ máy, thợ phụ và bốc vác, ở mức từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Công việc yêu cầu phải chịu khó, kiên trì, có sức khỏe và sức bền do cường độ lao động cao, ăn ở hầu như ngoài đồng suốt vụ gom rơm. Thực tế các lao động của anh Anh đều là người ngoại tỉnh, chủ yếu các tỉnh phía Bắc.

“Người Nghệ An nổi tiếng chịu khó nhưng vẫn không trụ nổi”, anh Anh cho hay.

Vợ chồng 8X với chuyện ôm rơm nặng... túi - 7

Hiện nguồn rơm chưa đủ cung ứng cho thị trường trong nước nên anh Anh phải từ chối nhiều đơn hàng xuất khẩu (Ảnh: Hoàng Lam).

Theo anh Anh, thị trường tiêu thụ của rơm rất rộng, sử dụng cho chăn nuôi trong các trang trại lớn, phục vụ sản xuất nấm, trồng trọt nhiều loại cây khác. Cơ sở của anh chỉ cung ứng rơm cho các đơn hàng lớn hoặc các đại lý. Trung bình mỗi năm, hoạt động thu gom rơm kéo dài 6-7 tháng mà nguồn rơm không cung cấp đủ cho thị trường.

“Rơm có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết, chỉ sợ không có hàng thôi. Tôi nhận được một số đơn hàng trị giá cả tỷ đồng ở Hàn Quốc, Nhật Bản… nhưng không dám nhận vì nguồn rơm không ổn định để xuất khẩu”, anh Anh cho hay.

Hiện anh Anh đang đầu tư thêm máy ép để tiết kiệm diện tích lưu kho và nâng cao giá trị của rơm. “Bình thường một cuộn rơm cung ứng tận nơi có giá 40.000 đồng nhưng vào vụ Tết hoặc thời tiết mưa gió, có thể lên tới 50.000-60.000 đồng/cuộn “, ông chủ 8X cho hay.

02/06/2023