Đất Lý Sơn tăng giá chục lần nhờ hạ tầng tốt

Đất Lý Sơn tăng giá chục lần nhờ hạ tầng tốt

Tuy nhiên, hiện tượng mua gom đất nông nghiệp khiến nhiều hệ lụy có thể xảy ra.

Hạ tầng kéo giá đất tăng vọt

Đất Lý Sơn tăng giá chục lần nhờ hạ tầng tốt 1

Cảng Bến Đình, một trong những dự án đầu tư về hạ tầng đã tạo ra cú huých cho Lý Sơn phát triển

Trước năm 2014, Lý Sơn vẫn là một hòn đảo ít được biết đến. Thế nhưng, từ khi điện lưới quốc gia được kéo ra đảo, Lý Sơn lột xác, nhiều người biết đến theo làn sóng đi du lịch.

Từ khi có điện, đảo nhỏ tiền tiêu bừng sáng mỗi đêm. Du khách tấp nập. Việc tỉnh Quảng Ngãi chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng cảng biển đã khiến Lý Sơn thay đổi nhanh chóng.

Việc xuất hiện nhiều người từ địa phương khác, không trực tiếp sản xuất nhưng mua gom đất nông nghiệp rất đáng lo ngại, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương.

Trong tương lai, việc này sẽ tạo nên áp lực lớn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, sẽ là rào cản, vướng mắc khi huyện hiện thực hóa các quy hoạch đã được duyệt, các chính sách kêu gọi, thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển các dự án hạ tầng, đô thị và du lịch trên địa bàn.

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn


Với tổng mức đầu tư hơn 250 tỷ đồng, cảng Bến Đình được Quảng Ngãi đầu tư vào năm 2016, tàu có công suất lớn đã có thể cập cảng.

Cảng được xây dựng hoàn thiện với hệ thống nhà ga hiện đại cùng nhiều hạng mục đi kèm khác đã khiến việc đi lại giữa đảo Lý Sơn với đất liền nhanh hơn.

Bên cạnh đó, huyện Lý Sơn đã đầu tư dự án đường cơ động Đông – Nam đảo với chiều dài hơn 7km, chạy dọc theo mép bờ biển, ngăn chặn nạn sạt lở diễn ra hàng trăm năm qua.

Đồng thời, tuyến giao thông trục chính giữa đảo được đầu tư nâng cấp, mở rộng đã mở ra nhiều cơ hội phát triển. Từ đó, nhà cửa, hàng quán kinh doanh dịch vụ của người dân mở ra nhiều hơn.

Đặc biệt, đội tàu khách và tàu vận tải được các doanh nghiệp nâng cấp với những chiếc tàu cao tốc trị giá cả triệu USD đã kéo khoảng cách giữa đảo với đất liền trở nên gần hơn khi thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 30 phút.

Nhờ hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội được đầu tư bài bản đã biến đảo Lý Sơn từ một nơi hoang sơ trở thành điểm đến của hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước.

Đồng thời, thị trường nhà đất tại đảo đã bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian qua.

Nếu như trước năm 2015, giá đất ở tại Lý Sơn chỉ dao động trong khoảng dưới 10 triệu đồng/m2 (ngoại trừ những khu vực đắc địa) thì sau khi các công trình hạ tầng được đầu tư, giá đất đã tăng gấp nhiều lần, thậm chí cả chục lần.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, một người dân thôn Đông, xã An Vĩnh cho biết, năm 2015 anh mua lô đất nằm trên trục chính tuyến đường trung tâm huyện với giá xấp xỉ 800 triệu đồng.

Vài năm sau, khi cảng Bến Đình được đầu tư và đỉnh điểm vào năm 2019, có người đến đề nghị mua lô đất của anh giá gấp 10 lần.

Ban đầu anh có ý định mua làm nhà ở. Nhưng nay thấy Lý Sơn phát triển, anh dự định sẽ xây khách sạn để kinh doanh.

“Không ai nghĩ đất ở Lý Sơn lại tăng đột biến như vậy. Nhưng nhìn thực tế thì giá đất tăng vậy cũng đúng, bởi nhu cầu về đất là rất lớn khi dân số tại đảo đã cán mốc trên 21.000 người.

Đồng thời, những dự án giao thông được đầu tư, tạo nên diện mạo mới cho huyện đảo và du khách đến ngày càng đông, dẫn đến nhu cầu sở hữu đất đai tăng”, anh Tuấn lý giải.

Ghi nhận cho thấy, dù thị trường bất động sản cả nước có chững lại, song tại đảo Lý Sơn giá đất ở vẫn neo giá cao và việc săn lùng mua đất vẫn diễn ra liên tục.

Đặc biệt, những ngôi nhà mặt tiền đường trục chính, khu trung tâm huyện và gần cảng Bến Đình được giới cò đất săn lùng ráo riết với giá hỏi mua lên đến từ 100 – 200 triệu đồng/m2.

“Cò” đất thâu tóm đất trồng hành, tỏi

Đất Lý Sơn tăng giá chục lần nhờ hạ tầng tốt 2

Hai “cò” đất trước một thửa ruộng hành, tỏi ở đảo Lý Sơn

Sau khi có thông tin quy hoạch xây dựng sân bay tại đảo Lý Sơn, giới đầu tư nhà đất khắp nơi trong cả nước đã đổ về đảo săn lùng đất. Khi quỹ đất ở khan hiếm thì đến lượt đất nông nghiệp được đưa vào tầm ngắm.

Đi dọc huyện đảo Lý Sơn, không khó để nhận diện các nhóm cò đất đang tìm cách tiếp cận người dân địa phương để hỏi mua đất nông nghiệp ngay trên ruộng tỏi.

Ông T, trú thôn Tây An Vĩnh cho biết, hơn 2 tháng qua, gần như ngày nào ra đồng chăm sóc tỏi ông cũng phải tiếp các nhóm cò đất: “Ngồi bên bờ ruộng là họ chạy lại hỏi có bán đất không, bán bao nhiêu; ở đây có ai bán không thì giới thiệu rồi họ chi hoa hồng cho. Họ lùng sục khắp các cánh đồng để hỏi mua đất”.

Tùy vào vị trí đất mà giới cò sẽ ra giá mua khác nhau. Theo đó, đất trồng hành, tỏi giáp đường lớn sẽ được ra giá từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/m2. Những thửa nằm bên trong sẽ có giá thấp hơn. Có bao nhiêu mua bấy nhiêu.

Trên các diễn đàn về bất động sản, giới cò đất tung đầy rẫy những giao dịch mua bán đất tại Lý Sơn đã khiến cho “cơn sốt” đất nông nghiệp ở huyện đảo tiền tiêu trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Một số nhà đầu tư ở Lý Sơn cho biết, cơn sốt đất diễn ra từ cuối năm 2022 đến nay, có nhiều trường hợp có đất nông nghiệp nằm trên mặt tiền một số tuyến đường lớn, hướng biển đã được chuyển nhượng.

Ruộng tỏi sau khi được hai bên làm hợp đồng mua bán, thanh toán thì chủ mới tiếp tục cho chủ cũ canh tác.

Ông T.T.X, một người dân Lý Sơn cho hay, lúc cao điểm có không dưới 100 cò đất từ các tỉnh thành phía Bắc vào lùng sục mua đất nông nghiệp. Gần như người dân đồng ý bán là họ xuống tiền ngay.

“Nhiều nông dân thấy tiền sáng mắt nên bán đất mà không nghĩ đến hậu quả sau này. Một khi đã bán thì sau này lấy gì làm ăn?”, ông X. nói.

Cơn sốt đất khiến cho công việc đồng áng, lịch thời vụ và giá cả nông sản ở Lý Sơn bị tạm gác qua một bên, quyết định bán hay giữ đất sản xuất đang được nhiều người đắn đo trước những lời chào mời, săn đón và ngã giá của môi giới.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, địa phương đã nắm tình hình và có chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc.

Trong đó, nòng cốt là lực lượng công an sẽ chủ động rà soát, kiểm tra và đấu tranh để có biện pháp ngăn chặn tình trạng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không đúng quy định.

Nhất là các trường hợp mang tính đầu cơ, trục lợi hoặc có hành vi mua đất chờ quy hoạch nhằm tìm cách hưởng lợi trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.