Lo đến ngày trạm y tế không có bác sĩ làm việc
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về báo cáo huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) nhận định, mạng lưới y tế cơ sở chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt trong dịch Covid-19 đã xảy ra tình trạng quá tải.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, đại biểu tỉnh Bến Tre cho rằng, do thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Trạm y tế thiếu bác sĩ cơ hữu do dịch chuyển bác sĩ sang khu vực tư nhân và các đô thị lớn. Bên cạnh đó, chính sách tinh giản biên chế cũng áp dụng ngành y và sinh viên ra trường ít về khu vực này làm. Đặc biệt, lực lượng cán bộ y tế tại chỗ đi học nâng cao trình độ ngày càng khó khăn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Ảnh: Quochoi.vn).
“Nếu không sớm có chính sách phù hợp thì 10-15 năm nữa trạm y tế không có bác sĩ làm việc”, đại biểu này nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với thời gian, chi phí học tập công và sức lao động, làm việc của cán bộ y tế. Ngoài ra, cơ sở trang thiết bị chưa tốt, không có môi trường thuận lợi đội ngũ này nâng cao tay nghề, phát triển nghề nghiệp.
Đại biểu này lấy ví dụ, sinh viên đại học y dược sẽ học 6 năm, mức chi phí gần 200 triệu đồng. Khi ra trường, họ nhận lương trên dưới 5 triệu đồng/tháng.
“Bên cạnh đó, biên chế trực mỗi đêm là một người. Thường trường hợp đánh nhau, tai nạn giao thông phức tạp, nữ nhân viên y tế không dám trực một mình, khi trực phải có mẹ, chị, em, con hoặc chồng đi theo. Họ cùng nhau chia tiền trực ít ỏi, trong đó chế độ trực đêm là 25.000 nghìn đồng, tiền ăn là 15.000 nghìn đồng, mức rất khiêm tốn so với công sức người lao động bỏ ra”, đại biểu này nêu.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Người dân đến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu chiếm tỷ lệ rất thấp.
Theo đại biểu, trong giai đoạn hiện nay, mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở cũng chưa được quan tâm, đãi ngộ thỏa đáng. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề, trung bình 5-7 triệu đồng/tháng.
Chạnh lòng trước vụ 8 công nhân mắc bệnh bụi phổi
Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) cho biết, lực lượng y tế dự phòng chỉ đáp ứng 42% nhu cầu so với tổng số lao động trên 55 triệu người của Việt Nam. Trong khi hiện tại, số người làm việc trong môi trường độc hại ngày càng tăng.
Đại biểu bày tỏ, rất chạnh lòng khi đọc bài báo về vụ 8 công nhân bị mắc bệnh bụi phổi. Những người vợ rất đau lòng khi nhìn người chồng của mình đau đớn trên giường bệnh, đến bệnh viện rất muộn. Những người lao động đó, nhiều người tuổi đời còn rất trẻ và đều là trụ cột trong gia đình.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao mong muốn có chính sách nào đó để không còn thấy hiện tượng như trên, đồng thời băn khoăn về sự không thống nhất quy định về đào tạo, mô tả vị trí, chức năng nghề nghiệp cũng như quy định tổ chức hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu dẫn chứng, quy định hiện hành không còn bằng “bác sĩ y học dự phòng” trong khi thực tế vẫn còn một số chức danh, vị trí, nghề nghiệp ở trung tâm kiểm soát bệnh tật hay trong dự thảo nghị định quy định đào tạo trong lĩnh vực sức khỏe đang xây dựng chưa đề cập đến đào tạo bác sĩ y học dự phòng là một chuyên khoa.
“Chúng ta nỗ lực rất lớn thực hiện đúng yêu cầu để y tế dự phòng là then chốt nhưng hiện tại y tế dự phòng chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân”, đại biểu này nói.
Liên quan chính sách thu hút nguồn nhân lực, đại biểu này cho rằng từ khâu đào tạo, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cần có quy định chặt chẽ về văn bằng, chứng chỉ để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm làm công tác, hoàn thiện tốt thiên chức của mình.