Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa qua đã nâng dự báo về nền kinh tế châu Á khi sự phục hồi của Trung Quốc củng cố tăng trưởng cho khu vực, nhưng cũng cảnh báo rủi ro từ các yếu tố gồm lạm phát và biến động thị trường toàn cầu sau sự sụp đổ của các ngân hàng phương Tây.
IMF cho biết việc mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc sẽ là mấu chốt đối với khu vực châu Á trong năm 2023, nơi được cho là tập trung vào tiêu dùng và nhu cầu của ngành dịch vụ hơn là đầu tư.
Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực của IMF cho biết: “Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là khu vực năng động nhất trong số các khu vực lớn trên thế giới vào năm 2023, chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng lạc quan của Trung Quốc và Ấn Độ. Giống như phần còn lại của thế giới, nhu cầu trong khu vực dự kiến sẽ vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất trên khắp châu Á vào năm nay”.
Nền kinh tế châu Á dự kiến tăng trưởng 4,6% trong năm nay sau khi tăng 3,8% vào năm 2022, đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, IMF cho biết. Con số này đã tăng thêm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 10/2022 của IMF.
Báo cáo cho biết Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những động lực chính với mức tăng trưởng lần lượt là 5,2% và 5,9%, trong khi tăng trưởng ở phần còn lại của châu Á cũng được dự đoán sẽ hồi phục sau khi xuống đáy trong năm nay.
Tuy nhiên, IMF sau đó đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của châu Á trong năm tới 0,2 điểm phần trăm xuống còn 4,4% và cảnh báo những rủi ro đối với triển vọng như lạm phát cao hơn dự kiến, nhu cầu của người tiêu dùng trên toàn cầu chậm lại cũng như tác động từ sự sụp đổ của các ngân hàng phương Tây.
IMF cho biết: “Mặc dù tác động từ sự sụp đổ của các ngân hàng phương Tây tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương là tương đối hạn chế, nhưng khu vực này vẫn dễ bị tổn thương trước các điều kiện tài chính thắt chặt và việc định giá lại tài sản một cách đột ngột và lộn xộn”.
Trong khi châu Á có nguồn vốn và thanh khoản cao để chống lại các cú sốc thị trường, thì các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng đòn bẩy tài chính cao trong khu vực lại phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn khi chi phí đi vay tăng mạnh, báo cáo cho biết thêm.
IMF cũng kêu gọi các ngân hàng trung ương ở châu Á – ngoại trừ Nhật Bản và Trung Quốc – thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát, vốn có thể vẫn ở mức cao, một phần do nhu cầu nội địa mạnh mẽ.
IMF cho biết thêm rằng mặc dù Trung Quốc sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng của khu vực, lĩnh vực bất động sản của nước này vẫn là một rủi ro mà các nhà hoạch định chính sách cần phải giải quyết để đảm bảo sự phục hồi đồng đều trong lĩnh vực này.
Những động thái gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm nới lỏng tài chính cho các nhà phát triển bất động sản phần lớn đã mang lại lợi ích cho các nhà phát triển lớn hơn. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc với những doanh nghiệp nhỏ hơn, yếu hơn vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, Thomas Helbling, phó giám đốc Vụ châu Á và Thái Bình Dương của IMF cho biết.
“Mặc dù những nỗ lực gần đây của chính phủ đã phần nào giúp ổn định thị trường, nhưng chính phủ nên chủ động hỗ trợ tái cơ cấu đối với các nhà phát triển bất động sản có quy mô nhỏ hơn và vẫn đang gặp khó khăn”, ôbg Helbling nói trong một cuộc họp báo ở Hong Kong.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang cố gắng ổn định lĩnh vực từng chiếm 1/4 GDP quốc gia sau hàng loạt vụ vỡ nợ của các nhà phát triển và doanh số bán nhà sụt giảm trong suốt năm qua.
Helbling cho biết: “Đối với những khu vực có thị trường nhà đất yếu hơn, sự phục hồi vẫn chưa diễn ra. Chúng ta cần có thêm các biện pháp chính sách để hạn chế những rủi ro tiềm ẩn”.